Hồ sơ giao dịch đất đai tăng đột biến ở Đồng Nai

Số hồ sơ đất đai ngành tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai tiếp nhận và giải quyết trong 6 tháng đầu năm nay nhiều hơn lượng hồ sơ của cả năm 2021.

Theo báo Đồng Nai, tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, Sở Tài nguyên và Môi trường công bố, trong 6 tháng ngành đã tiếp nhận, giải quyết hơn 300.000 hồ sơ đất đai, nhiều hơn lượng hồ sơ của cả năm 2021.

Tuy nhiên, con số này mới chỉ phản ánh một phần lượng hồ sơ giao dịch đất đai tăng đột biến tại tỉnh Đồng Nai trong nửa đầu năm. Bởi thực tế tại các địa phương như Cẩm Mỹ, Long Thành, Trảng Bom,... vẫn còn tồn đọng nhiều hồ sơ.

Cũng theo nhận định của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, tình trạng phân lô bán nền và sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn vẫn còn phổ biến. Công tác rà soát, xử lý các tồn tại liên quan đến đất nông, lâm trường, đất quốc phòng vẫn chậm.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đã yêu cầu ngành tài nguyên và môi trường tìm nguyên nhân, phân loại và đề xuất phương án tháo gỡ tình trạng hồ sơ giao dịch đất đai tăng đột biến, tồn đọng nhiều tại các huyện.

Liên quan đến vấn đề này, theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, trong 5 tháng đầu năm 2022, loại hình bất động sản được tìm kiếm nhiều nhất ở Đồng Nai là đất và đất nền dự án.

Khách hàng quan tâm bất động sản ở địa phương này chủ yếu đến từ TP HCM (chiếm 52%) và các tỉnh miền Nam (chiếm 31%). Nguồn cung khan hiếm, quỹ đất ngày càng hạn hẹp tại TP HCM là lý do khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp đổ về các thị trường vệ tinh, trong đó nổi bật là Đồng Nai.

Theo ghi nhận, đất nền dự án tại nhiều địa phương của Đồng Nai đã tăng giá rao bán so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đất nền dự án ở Nhơn Trạch tăng mạnh nhất - 17%, tại Long Thành tăng 14%, tại Trảng Bom tăng 7% và tại Biên Hòa tăng 3%.

Ở thời điểm hiện tại, giá rao bán trung bình đất nền dự án Nhơn Trạch và Trảng Bom là 13 - 14 triệu đồng/m2, tại Long Thành và Biên Hòa là 20 triệu đồng/m2. 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.