'Hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà chỉ với lao động chính thức là chưa phù hợp'

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Thị Thủy đề nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng cả với lao động chính thức và khu vực phi chính thức do dự thảo đang đề xuất dành khoảng 6.600 tỷ đồng và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, sáng 7/1, đại biểu đoàn Bắc Kạn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy cho rằng một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khôi phục thị trường lao động.

Gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội dự kiến có giá trị khoảng 350.000 tỷ đồng. Theo bà, dự thảo chính sách tài khoá thiết kế bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và chỉ dành cho khu vực chính thức là chưa phù hợp.

'Hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng tiền thuê trọ chỉ với lao động chính thức là chưa phù hợp' - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh: Quốc hội).

Bà Nguyễn Thị Thủy nêu số liệu, trong quý 3 vừa qua, cả nước có tới 28 triệu người lao động hứng chịu hệ quả tiêu cực của đại dịch, trong đó 4,7 triệu người mất việc làm, hơn 14 triệu người tạm dừng sản xuất kinh doanh; hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Biến thể Delta đã "cuốn đi" khoảng 1/4 mức lương tháng của người lao động ở vùng Đông Nam Bộ.

Kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong một tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống trong 3 tháng, chỉ hơn 4% đủ duy trì cuộc sống trên 4 tháng.

Nữ đại biểu cho biết thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động đều bị thu hẹp. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã khiến cho 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê, dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Nam, nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất.

Cho đến nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh, hoặc mệt mỏi sau thời gian dài giãn cách. Nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà, không ít lao động có tâm lý chờ qua Tết mới đi làm.

Thực tế trên dẫn đến nghịch lý về cung cầu lao động, nơi cần lao động thì không có, còn nơi có lao động lại rất khó tìm việc làm.

Theo bà Thủy, do mất việc, nhiều lao động ở khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang tìm việc ở khu vực phi chính thức. Điều này dẫn tới số lao động tự do tăng cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững. Trong khi đó, những chính sách an sinh, bảo hiểm, chế độ ốm đau, thai sản với khu vực phi chính thức rất hạn chế. Đây là vấn đề cần quan tâm khi thiết kế các gói hỗ trợ từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, đề nghị áp dụng cả về lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức. Hiện nay dự thảo đang đề xuất dành khoảng 6.600 tỷ đồng và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp.

Ngoài ra, bà Thủy cũng đề nghị dành kinh phí thoả đáng hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân; hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại và tư vấn việc làm cho người lao động quay trở lại làm việc.

chọn
Đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển qua huyện Nam Trực sau 16 tháng thi công
Tuyến đường Nam Định - Lạc Quần - Đường ven biển đang xây dựng qua huyện Nam Trực thuộc địa bàn các xã Nam Cường, Hồng Quang, Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Hồng và Nam Thanh.