Các loại hoa, kiểng này chủ yếu nhấn vào vẻ độc lạ, từ hình dáng, tên gọi và ý nghĩa như: đào thất thốn, mai ghép trên thân cây pơ mu, đào rừng Sapa, đào thế Nhật Tân, nhất chi mai Phú Thượng,... khiến không ít người dùng sẵn sàng chi hàng chục đến cả trăm triệu để mua về chơi Tết.
Hai chậu đào thất thốn này được người bán phát giá lên tới hơn 200 triệu đồng, tức hơn 100 triệu đồng mỗi cây. Tiền thuê cũng lên tới 70 triệu đồng/cây trong thời gian từ nay đến hết Rằm Tháng Giêng.
Gốc sần sùi, thế uốn lượn nên đào thất thốn càng nhiều tuổi thì càng được giới sành chơi ưa chuộng tìm mua. Vốn là giống đào thời xưa được dùng để "tiến vua" nên đào thất thốn khá quý hiếm. Đặc biệt, những cây được trồng 15-20 năm tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sở dĩ người ta gọi là đào thất thốn là vì với mỗi đoạn thân cây dài 7 thốn (mỗi thốn chừng một đốt ngón tay), đào sẽ chia cành. Mỗi thốn có 7 hoa. Đặc biệt, hoa đào thất thốn rất dày, nhiều lớp, bông to, có màu đỏ tươi. Hoa mọc ra cả từ thân đến cành. Cánh hoa nở ra tròn đều như được sắp đặt.
Nếu đào thất thốn là một cây kiểng Tết đắt tiền nhưng quen thuộc thì mai ghép trên thân cây gỗ pơ mu lại là một loại cây còn khá lạ. Loại cây chơi Tết này có giá trị từ 15-30 triệu đồng/cây. Mức giá thuê sẽ khoảng chục triệu đồng mỗi cây.
Theo chia sẻ của người bán, với riêng công đoạn nuôi cấy rêu trên thân cây, người nghệ nhân phải mất ròng rã hai năm trời mới thành công. Còn đối với cây mai, nhà vườn phải nuôi trồng và uốn cây ngay từ khi còn bé.
Thân cây pơ mu được tạo thành từ lũa khô và lũa nước, như sông suối chảy qua mài mòn hoặc do quá già và chết đi. "Những thân cây bày bán ở đây đều có tuổi đời ngót nghét trăm năm", anh Hùng một người bán mai ghép trên thân cây pơ mu chia sẻ.
Những cành đào có tán rộng, được lấy từ Sơn La, trải qua hàng trăm km mới về đến thủ đô. Tiểu thương ở đây cho biết hôm nay đào rừng mới bắt đầu được bày bán, do đó số lượng khách hỏi mua vẫn còn khá ít. "15 nữa mới đến Tết cơ mà", anh Phong, chủ hàng đào rừng chia sẻ.
Theo anh Phong, cây càng có thân vỏ xù xì, mốc meo càng đắt tiền. Chính những địa y, rêu phong trên thân cây mới là thứ đáng tiền cho loại đào này.
Do có kích thước "siêu to khổng lồ" nên mỗi cây đào rừng thường được buộc chống bằng 4 cây tre mới đủ vững. Khi vận chuyển phải ít nhất hai người khiêng. Theo chủ vườn, sát ngày bán, những cành đào rừng mới được lấy về, rồi vận chuyển về xuôi. "Chăm sóc đào rừng khá đơn giản, không cầu kì như đào vườn", anh Phong nói.
Ngoài ra, năm nay những chậu kiểng Tết, đào thế cũng vẫn là tâm điểm thu hút mọi người trên đường phố Hà Nội với đủ dáng cây độc lạ. Mỗi chậu đào Tết như vậy thường có giá từ từ 5-7 triệu đồng, thế cây độc đáo có thể có giá lên tới chục triệu đồng.
Thời tiết năm nay được đánh giá là đủ đẹp để đào bung nở khoe sắc vào đúng dịp xuân về.
Tiêu dùng 16:08 | 01/02/2020
Tiêu dùng 20:10 | 31/01/2020
Tiêu dùng 14:30 | 31/01/2020
Tiêu dùng 21:07 | 30/01/2020
Tiêu dùng 17:20 | 30/01/2020
Tiêu dùng 14:36 | 30/01/2020
Tiêu dùng 21:14 | 29/01/2020
Tiêu dùng 22:56 | 28/01/2020