Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai - Bài 2: Những điểm sáng trong dự luật mới

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới.

Tập trung giải quyết vấn đề đang tồn tại

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thay thế Luật Đất đai năm 2013 có một số điểm mới nổi bật, như bỏ khung giá đất; sửa quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; bổ sung quy định về thời hạn sử dụng đất… Những quy định mới này góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thi hành Luật Đất đai năm 2013 trong thời gian qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, xuất phát từ những vấn đề đặt ra, lần này Nghị quyết 18 Hội nghị Trung ương 5 đã đưa ra 6 nhóm chính sách lớn rất quan trọng để tập trung giải quyết vấn đề đang tồn tại, yếu kém hiện nay.

Về vấn đề liên quan đến quy hoạch, Nhà nước với tư cách là đại diện cho sở hữu toàn dân về đất đai thì việc quản lý đất đai phải thông qua quy hoạch, nên việc hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đai làm sao để đáp ứng nhu cầu là rất quan trọng. Phải phân bổ quản lý nguồn lực này một cách tiết kiệm, công bằng, minh bạch, hài hòa giữa các lợi ích, các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương, giữa hiện tại và tương lai, giải quyết vấn đề bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.

Việc quản lý đất đai liên quan mật thiết đến tồn tại vướng mắc, khiếu nại tố cáo, mất an ninh, trật tự, tham nhũng, trục lợi, tài chính, định giá đất đai. Nếu làm tốt phương pháp định giá đất thì thị trường đất đai sẽ minh bạch, công bằng. Với lĩnh vực tài chính đất đai, chúng ta thay đổi cách quản lý từ hành chính mệnh lệnh sang công cụ kinh tế, dùng công cụ để xử lý các dự án chậm đưa vào hoạt động, nhà đầu cơ, thổi giá. Nhờ các công cụ này, chúng ta tiếp tục làm lành mạnh hóa công tác quản lý đất đai, bảo vệ lợi ích người dân, bảo vệ cán bộ.

Vấn đề chuyển đổi số, cần áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai với đa mục tiêu, tập trung thống nhất, có thể quản lý đất đai với tư cách là cơ quan Nhà nước thay mặt nhân dân gồm số lượng, chất lượng và kinh tế đất đai. Qua chuyển đổi số, chúng ta cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Nhà nước phục vụ, cung cấp mọi dịch vụ công, mọi thông tin đất đai đến người dân ở mọi nơi, mọi lúc và hướng tới xây dựng mục tiêu trong 5 năm tới Việt Nam sẽ có hệ thống định giá đất mới.

Nhất trí với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với 9 điểm mới so với Luật Đất đai năm 2013, Luật sư Lê Trung Đức, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ (Hà Nội), nêu rõ: Nội dung dự thảo Luật Đất đai bám sát các Nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội về quản lý và sử dụng đất đai, đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật, phát huy nguồn lực đất đai và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong việc tổng kết việc thi hành Luật Đất đai.

Luật Đất đai (sửa đổi) giải quyết được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai. Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực.

Luật Đất đai (sửa đổi) thực hiện việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân.

Theo Luật sư Lê Trung Đức, hiện nay nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang phát triển mạnh là do dựa vào nguồn lực đất đai, được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước, trong khi người dân được hưởng lợi ít, thậm chí không được hưởng lợi, nhất là giá đền bù đất luôn được quy định thấp hơn giá thị trường.

Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần ban hành cụ thể cho hoạt động đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư với việc xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực, dân bàn, dân tham gia, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và “không ai bị bỏ lại phía sau”. Khi đó sẽ giảm được lãng phí, tiêu cực, giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Một số nội dung Dự thảo Luật vẫn cần được sửa đổi

Theo luật sư Dương Thị Bích Hạnh, Chi hội luật gia thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, thu hồi đất là một nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, bởi nó tác động mạnh mẽ đến việc tạo ra quỹ đất phục vụ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đất nước và đặc biệt ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề an sinh xã hội, đến sự phân chia hợp lý các lợi ích trong xã hội, đến cuộc sống của những người dân có đất bị thu hồi.

Đối với vấn đề thu hồi đất khi người sử dụng đất có hành vi hủy hoại đất, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Tại khoản 25, Điều 3: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”. Còn điểm b, khoản 1, Điều 64 quy định: “Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất”.

Về vấn đề trên, dự thảo Luật Đất đai có điểm mới như sau: “Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm…”. Điểm mới là người sử dụng đất sẽ bị thu hồi đất khi có hành vi hủy hoại đất đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tiếp tục vi phạm. Điều này có thể được hiểu rằng người sử dụng đất liên tiếp thực hiện hành vi hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này rồi thì mới bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành thu hồi đất do vi phạm quy định pháp luật về đất đai. Việc này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không kịp thời ngăn chặn hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất do hành vi hủy hoại của người sử dụng, bằng hình thức thu hồi đất do hành vi được thực hiện một cách liên tiếp.

Luật sư Đào Hiến Chương, Chủ tịch Hội Luật gia thị xã Sơn Tây (Hội Luật gia thành phố Hà Nội), đề nghị xem xét, sửa đổi khoản 10 quy định hành vi bị nghiêm cấm “không ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để xảy ra hậu quả nghiêm trọng”. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì vi phạm pháp luật về đất đai có thể là vi phạm hành chính, vi phạm hình sự. Hiện nay chỉ mới có pháp luật hình sự có quy định thế nào là hậu quả nghiêm trọng, pháp luật xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định xác định mức độ thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Đào Hiến Chương đề nghị nghiên cứu xem xét sửa đổi nội dung này nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, không bỏ lọt vi phạm của người được giao nhiệm vụ ngăn chặn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai; tránh sự hiểu lầm không đáng có đối với cơ quan, người có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai; tạo sự bình đẳng trong xử lý vi phạm giữa người quản lý và người sử dụng đất.

Góp ý liên quan đến Chương XI: Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, Luật sư Lê Quốc Đạt, Hội Luật gia thành phố Hà Nội, cho rằng đây là Chương mới phù hợp với phát triển khoa học công nghệ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý xã hội, quản lý kinh tế và quản lý con người đã rất phổ cập, mọi thông tin tìm kiếm đều trên internet.

Luật sư Lê Quốc Đạt đề xuất: Khi Nhà nước thu hồi đất thì chủ đầu tư phải thiết lập một website (một kênh thông tin của dự án) để mọi người có thể cùng công khai truy cập vào thu thập được tài liệu, thông tin, dữ liệu, những văn bản có giá trị pháp lý liên quan đến việc thu hồi đất. Thông qua đó những người truy cập vào website cũng có thể gửi những kiến nghị công khai của mình lên website, một mặt để các cơ quan quản lý Nhà nước, chủ đầu tư dự án biết; đồng thời những người quan tâm đến dự án, cùng bị thu hồi đất biết và cùng tham gia, có sự chia sẻ thông tin và hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi họ bị thu hồi đất, từ đó giúp cho việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại, vướng mắc được khách quan, đúng pháp luật. Kết quả giải quyết khiếu nại (nếu có) cũng được công bố công khai, rộng rãi tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.