Ngày 12/6, TAND tỉnh Hòa Bình mở lại phiên phúc thẩm xét xử Hoàng Công Lương (cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) cùng bốn bị cáo trong sự cố chạy thận khiến chín người chết tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Diễn biến đáng chú ý nhất trong ngày xét xử đầu tiên chính là việc Hoàng Công Lương chính thức không kêu oan nữa.
Cựu bác sĩ này thừa nhận mình phạm tội vô ý làm chết người, mong được HĐXX xem xét cho hưởng án treo.
Tháng 1/2019, TAND TP Hòa Bình xử sơ thẩm đã tuyên phạt Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội vô ý làm chết người.
Sau đó, Lương có ba lần gửi đơn kháng cáo lần lượt với các nội dung: Kêu oan; xin miễn trách nhiệm hình sự; xin xem xét lại tội danh, giảm hình phạt, xin được hưởng án treo.
Như vậy, trong ba lần, thay vì bổ sung thì Lương liên tiếp thay đổi nội dung kháng cáo. Các yêu cầu kháng cáo gần như có sự đối lập nhau và ngày càng giảm nhẹ về mức độ.
Tại tòa hôm qua, 12/6, chủ tọa hỏi có thay đổi gì về kháng cáo không, Lương đề nghị giữ lại kháng cáo mới đây nhất nhưng rút phần xem xét lại tội danh.
“Vấn đề xem xét lại tội danh thì bị cáo không đề cập đến nữa, bị cáo chỉ xin giảm hình phạt và xin hưởng án treo. Bị cáo đã nhận thức và hiểu quy định của pháp luật về tội vô ý làm chết người, mong HĐXX xem xét các tình tiết, vai trò và mức độ” - Lương nói.
Hoàng Công Lương thừa nhận mình có tội, xin được hưởng án treo. (Ảnh: Tuyến Phan).
Trong phần xét hỏi, HĐXX đặt vấn đề ngày xảy ra sự cố chạy thận, trách nhiệm của Hoàng Công Lương là lớn hơn rất nhiều so với các điều dưỡng, bác sĩ khác, bởi bị cáo đã ra y lệnh chạy thận.
Quyết định ra y lệnh khi chưa biết nguồn nước đã đảm bảo hay chưa là việc làm rất ẩu, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Bất ngờ, thay vì phủ nhận như các phiên tòa trước đây, Lương thừa nhận đã biết bản thân cẩu thả nhưng là lỗi vô ý.
Bào chữa cho thân chủ, luật sư (LS) Hoàng Văn Hướng (LS duy nhất tại phiên phúc thẩm của Lương) đưa ra nhiều tình tiết để HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Trong đó, LS Hướng cho rằng Lương đã nhận thức được hành vi, mức độ phạm tội của mình, đã thành khẩn, ăn năn hối cải, khi sự cố xảy ra bị cáo đã tích cực khắc phục hậu quả. Ngoài ra, bác ruột của Lương được tặng huân, huy chương kháng chiến chống Mỹ…
Đồng tình với quan điểm của LS, Lương mong muốn HĐXX cân nhắc tất cả tình tiết trên cho mình được hưởng án treo để có thể tiếp tục công việc, phục vụ xã hội.
Tuy nhiên, chủ tọa cho biết án treo chỉ áp dụng với người bị phạt tù không quá 36 tháng nhưng tại phiên sơ thẩm Lương đã bị tuyên 42 tháng tù. Do vậy, HĐXX sẽ xem xét nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
Một diễn biến đáng chú ý khác, đó là gia đình các bị hại cũng có đơn xin giảm hình phạt và cho Lương hưởng án treo, đồng thời đề nghị được tăng mức bồi thường.
Như vậy, ngay chính các gia đình nạn nhân cũng có sự thay đổi nhận thức và “thuận chiều” với Lương. Họ từ khẳng định không phạm tội ban đầu đến xin miễn trách nhiệm hình sự và cuối cùng là xin giảm nhẹ hình phạt cho Lương.
Trái ngược với Hoàng Công Lương, bốn bị cáo còn lại là Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV), Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV), Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế) và Đỗ Anh Tuấn (cựu giám đốc Công ty CP Dược phẩm Thiên Sơn) đều giữ nguyên kháng cáo.
Đặc biệt, trong phần thủ tục phiên tòa, HĐXX cho biết sẽ triệu tập thêm nhiều cơ quan liên quan đến vụ án, trong đó có đại diện Bộ Y tế, đại diện Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.
Quá trình giải quyết vụ án, Bộ Y tế đã gửi hai công văn cho cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình, trong đó một đóng dấu mật và một công khai.
Đối với công văn mật, chủ tọa từ chối công bố nội dung vì là… văn bản mật, không nằm trong hồ sơ vụ án.
Công văn còn lại chính là văn bản thể hiện quan điểm của Bộ Y tế về tội danh của các bị cáo, từng gây xôn xao dư luận cách đây một tháng.
Theo đó, Bộ Y tế cho rằng tòa sơ thẩm buộc tội các bị cáo Lương, Dương, Khiếu và Tuấn còn “khiêng cưỡng”, “yếu chứng lý”.
Đơn cử, bộ này nhận định việc xác định chủ thể tội danh vô ý làm chết người đối với Lương là không thuyết phục, lỗi của Lương là lỗi hành chính, không tác động trực tiếp lên cái chết của nạn nhân.
Bộ Y tế cho rằng nếu tòa phúc thẩm vẫn tuyên bị cáo Lương tội vô ý làm chết người sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm trong ngành y tế vì ai cũng có thể bị điều tra, truy tố, xét xử với tội danh này…
Thẩm phán Nguyễn Văn Vận, chủ tọa phiên tòa, cho biết việc triệu tập đại diện Bộ Y tế nhằm làm rõ tại sao cơ quan này không tham gia tố tụng nhưng lại gửi các công văn trên.
Cũng trong phiên xử sáng qua, LS Bùi Việt Anh, người bào chữa cho Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV đa khoa Hòa Bình), đề nghị HĐXX khởi tố bị can đối với ông Hoàng Công Tình (chú ruột Lương, trưởng khoa Hồi sức tích cực) về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại tòa sơ thẩm, ông Tình từng bị TAND TP Hòa Bình kiến nghị khởi tố về tội danh trên nhưng tòa phúc thẩm vẫn triệu tập ông với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Phúc đáp lại yêu cầu của LS, chủ tọa cho rằng thẩm quyền khởi tố hay không khởi tố thuộc về CQĐT và VKS, HĐXX không xem xét. Bởi phiên phúc thẩm này tòa chủ yếu làm rõ các nội dung kháng cáo của năm bị cáo, đề nghị của gia đình chín bị hại và hai bị đơn dân sự.