Học sinh THPT: Băn khoăn chọn ngành, chọn nghề!

Khi được hỏi sẽ chọn ngành nghề nào cho tương lai mình, không ít bạn trẻ lúng túng không đưa ra được câu trả lời dù đã bước vào năm cuối THPT, sắp đối diện với kỳ thi lớn.
hoc sinh thpt ban khoan chon nganh chon nghe
Nhiều học sinh năm cuối THPT đang đối diện khó khăn với vấn đề lựa chọn ngành, nghề.

Con chọn, cha mẹ đắn đo

Hầu như rất nhiều học sinh chọn ngành dự thi theo yếu tố sở thích. Có những bạn xác định rõ mình muốn gì ngay khi bước vào bậc học Phổ thông, nhưng cũng có những bạn mãi đến năm cuối cấp mới định hình cho mình hướng đi, trong đó không ít bạn chạy theo trào lưu sở thích số đông từ bạn bè. Lại cũng có nhiều học sinh, dù đã vào năm cuối vẫn mù mờ hướng đi và chưa đưa ra được lựa chọn phù hợp.

N. Huy, học sinh lớp 12 một trường trên địa bàn Q.3 chia sẻ: “Em vẫn chưa chọn được mình sẽ đi theo hướng nào vì cũng chưa biết mình thích gì”. Hải Đăng, học sinh năm cuối trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Nai) lại cho biết: “Đến giờ này em còn chưa xác định được mình mạnh về các môn tự nhiên hay xã hội nên cũng chưa biết chọn ngành nghề nào”.

Không chỉ các em học lực bình thường, có em học lực giỏi học trường chuyên vẫn chưa có lựa chọn rõ ràng. “Em rất thích ngành y nhưng lại sợ không phù hợp. Em đang băn khoăn giữa ngành y và kiến trúc”, em Đại Nghĩa (THPT chuyên Năng Khiếu, TP HCM) cho biết.

Học sinh băn khoăn chọn ngành nghề, cha mẹ cũng nhiều đắn đo không kém. “Muốn định hướng cho con nhưng con lại không nghe. Khuyên con thì con cho là ép buộc mà để con theo sở thích thì sợ sau này… sai một li đi vạn dặm”, chị Phạm Thị Hương, một phụ huynh cho biết.

Chọn ngành nghề vì thích hay hợp? Câu hỏi chung của nhiều học sinh thực sự không dễ trả lời – kể cả với nhiều nhà tư vấn hướng nghiệp lâu năm. Nhiều bạn đơn giản chọn trường, chọn ngành chỉ vì mình thích mà không xem xét kỹ nhiều yếu tố khác. Những sở thích có thể thay đổi theo thời gian, nhất là khi các bạn chưa nhiều trải nghiệm và mức độ hiểu biết về ngành nghề mình dự kiến theo đuổi còn hạn chế. Chính vì vậy, không ít sinh viên khi chọn nghề mình thích, theo học nhưng một thời gian nhận ra ngành chọn không phù hợp đành bỏ dở hoặc cố gắng tốt nghiệp chỉ để lấy được bằng.

hoc sinh thpt ban khoan chon nganh chon nghe
Việc lựa chọn được khuyên không chỉ dựa trên sở thích mà còn căn cứ vào năng lực bản thân.

Đừng để “gạo nấu thành cơm”

Sở thích và khả năng là hai yếu tố quan trọng cần đặt lên cán cân khi chọn ngành nghề. Nếu một người đơn giản chỉ chọn theo sở thích bản thân, năng lực bản thân hoàn toàn không đáp ứng được, thành công là điều rất khó. Ngược lại, nếu chỉ chọn ngành nghề phù hợp với năng lực nhưng bản thân hoàn toàn không yêu thích thì việc gắn bó lâu dài cũng là chuyện khó khăn. Vì vậy, theo các chuyên gia tâm lý, việc tìm hiểu kỹ bản thân để cân bằng hài hòa hai yếu tố này là chuyện rất quan trọng.

Yếu tố “thích” đơn giản chỉ là sở thích, ngành học, công việc sau này các em muốn theo đuổi nhưng yếu tố “hợp” lại phức tạp hơn, nhiều vấn đề cần xem xét hơn. Ngoài việc ngành nghề lựa chọn có phù hợp với tính cách, năng lực bản thân, yếu tố sức khỏe, khả năng theo học các bạn trẻ cũng nên được tìm hiểu phân tích thấu đáo.

TS. Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm TP.HCM từng đưa ra lời khuyên cho các bạn học sinh những mùa tuyển sinh trước: “Các em cần phân biệt giữa sở thích và khả năng khi chọn ngành. Chẳng hạn, em có thể rất thích công việc kế toán, học rất giỏi toán và có khả năng thi đỗ ngành này. Nhưng nếu tính cách em cẩu thả, không cẩn thận thì việc theo đuổi ngành là không phù hợp. Khi đó, học có thể vẫn tốt nhưng sẽ gặp không ít khó khăn trong công việc sau này”.

Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp TP HCM cũng cho biết 90% các bạn sau khi vào học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp đều cho rằng mình chọn không đúng nghề. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía nhưng chính yếu vẫn là từ phía các bạn. “Các bạn chưa xác định được năng lực bản thân, chưa nhận thức được mình là ai? Mình mạnh ở điểm nào? Mình phù hợp với ngành nghề gì? Vì vậy, các bạn nên nhận thức đúng năng lực của bản thân để tránh có những quyết định sai lầm sau khi “Gạo đã nấu thành cơm””, anh Huỳnh Anh Bình chia sẻ.

Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên các bạn trẻ nên trả lời những câu hỏi trắc nghiệm xem thử mức độ phù hợp với ngành nghề của mình, đặt ra những câu hỏi bắt bản thân trả lời trung thực về: công việc mình yêu thích, những lĩnh vực nghề nghiệp có thể làm, ngành học nào hấp dẫn mình và vì sao? Lời khuyên tìm hiểu thông tin về trường đào tạo ngành mà mình dự định theo học cũng được đưa ra. Nếu chương trình đào tạo vượt quá sức học của bản thân, khả năng đậu thấp, các bạn hoàn toàn có thể chọn những bậc đào tạo thấp hơn, phù hợp năng lực bản thân. Bên cạnh đó, việc tham khảo những người xung quanh đã trải qua nghề nghiệp trong tương lai cũng được cho là thiết thực.

chọn
Bộ TN&MT đã chuẩn bị những gì để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7?
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (4/5), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cung cấp thông tin liên quan đến việc chuẩn bị để Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 1/7.