Trước đó, nhiều ý kiến đã lên tiếng đề nghị xóa ban đại diện cha mẹ học sinh vì ban này không làm đúng vai trò, chức năng của mình mà trở thành “cánh tay nối dài” của hiệu trưởng để lạm thu của phụ huynh học sinh.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh chỉ phải đóng góp bắt buộc một khoản duy nhất cho nhà trường là học phí. Ngoài ra còn có khoản bảo hiểm y tế trường thu hộ theo quy định.
Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh phải “cõng” thêm đến trên 30 khoản thu tự nguyện khác nhau.
Núp bóng danh nghĩa xã hội hóa, lãnh đạo các trường đã không ngừng sáng tạo ra các khoản thu khác nhau: tiền dạy thêm học thêm, tiền vở viết, tiền vở bài tập thực hành, tiền sách giáo khoa, tiền học ngoại khóa, tiền trải nghiệm theo chuyên đề, tiền đề và giấy kiểm tra, tiền sử dụng điều hòa, tiền lao công, tiền ủng hộ cơ sở vật chất, tiền mua máy chiếu...
Đơn tự nguyện in sẵn tại trường Tiểu học Đặng Cương (Hải Phòng), phụ huynh học sinh chỉ việc điền tên và ký. |
Khi được hỏi, hiệu trưởng các trường đều cho biết trường không tổ chức mà do ban đại diện cha mẹ học sinh đề xuất và phụ huynh tự nguyện đóng góp.
Tại trường tiểu học Chu Văn An (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), học sinh lớp một phải đóng 16 triệu đồng, dù bậc học này được miễn học phí. Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân thành phố Cao Lãnh vẫn khẳng định trường không sai vì “các khoản thu là tự nguyện” và “thống nhất giữa nhà trường với ban đại diện cha mẹ học sinh.”
Tương tự, tại trường tiểu học Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), khi phụ huynh tố cáo trường lạm thu, hiệu trưởng Bùi Thị Sinh cũng cho biết các khoản thu đều là thỏa thuận, thậm chí “ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp bảo nhau rồi cùng đưa vấn đề ra bàn bạc với phụ huynh lớp và giáo viên chủ nhiệm”.
Hiệu trưởng Lê Thị Thu Thủy của trường tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, Hải Phòng), nơi học sinh lớp 1 phải đóng đến trên 10 triệu đồng, thậm chí khẳng định “phụ huynh phải có đơn trường mới nhận”.
Danh sách các khoản thu của trường dài như tờ sớ với khoảng 20 khoản thu tự nguyện khác nhau, nhưng theo hiệu trưởng, các khoản này đều xuất phát từ đề nghị của ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh tự nguyện đóng góp.
"Trường có đưa ra mức ủng hộ số tiền là bằng đó, đơn ghi sẵn, phụ huynh chỉ việc điền tên và ký. Thế tại sao không nói là bắt buộc đóng góp mà lại gọi là tự nguyện?”, câu hỏi của ông Nguyễn Văn Hương - phụ huynh học sinh trường tiểu học Đặng Cương - cũng là bức xúc chung của rất nhiều phụ huynh trên cả nước.
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Cần thay đổi điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh?
Trước bức xúc về sự biến tướng của ban đại diện cha mẹ học sinh, nhiều ý kiến cho rằng nên xóa bỏ ban này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Cẩn - trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng trong giáo dục học sinh. Thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh rất rõ.
Cụ thể, tại khoản 1, Điều 4 quy định nhiệm vụ của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp là phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và các giáo viên bộ môn tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh, chuẩn bị nội dung của các cuộc họp cha mẹ học sinh trong năm học.
Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh, bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác.
Khoản 1, Điều 6 quy định nhiệm vụ của ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Theo đó, ban đại diện cha mẹ học sinh trường có nhiệm vụ phối hợp với hiệu trưởng để tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học; hướng dẫn, tuyên truyền chủ trương chính sách về giáo dục với cha mẹ học sinh nhằm nâng cao trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinh.
Thông tư cũng quy định kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ phục vụ cho hoạt động của ban và hỗ trợ hoạt động giáo dục học sinh.
“Ban đại diện cha mẹ học sinh tuyệt đối không tham gia vào thu tiền xây dựng, sửa chữa và quyên góp để thực hiện công tác an ninh, bảo vệ, hỗ trợ giáo viên. Nếu chúng ta làm đúng như vậy thì không có băn khoăn, bức xúc về ban đại diện cha mẹ học sinh”, ông Cẩn nói.
Đây cũng là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa.
Theo bà Nghĩa, ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa gia đình và nhà trường, phối hợp để cùng giáo dục học sinh.
Vì thế, trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho các cháu.
“Không nên biến tướng hội phụ huynh thành tổ chức để lạm thu trong nhà trường”, bà Nghĩa nói.
Cũng theo bà Nghĩa, theo Thông tư 55, ban đại diện cha mẹ học sinh được thu phí và quản lý thu chi, quy định tại Điều 10. Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét lại Thông tư về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh để có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm khắc phục tình trạng này.
Con bị phạt, phụ huynh đến trường đánh cô giáo đến nhập viện Do nghĩ cô giáo đã phạt con mình một cách quá đáng và "gạt tay" vào mặt của mẹ mình, một phụ huynh tại Hải ... |