Người biết nước sông Tô Lịch thành nước uống cho biết để "hồi sinh sông chết" thì điều đầu tiên là phải tách được nước thải đổ ra sông. Ảnh minh họa: Di Linh |
Liên quan đến các giải pháp "hồi sinh sông chết ở Hà Nội", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội).
PGS. TS Trần Hồng Côn là người nghiên cứu, đưa ra công nghệ lọc nước sông Tô Lịch thành nước có thể uống ngay được.
Về giải pháp "hồi sinh sông chết", ông Côn cho biết việc đầu tiên cần phải làm là tách toàn bộ những nguồn nước thải trực tiếp vào sông để xử lý.
"Có thể xử lý theo kiểu không tập trung tức là xây những trạm xử lý nước thải nhỏ tuy theo khu vực dân cư, tính chất nước thải.
Hoặc xử lý tập trung là thu gom nước thải dọc sông về một nơi để xử lý. Nước thải sau khi xử lý mới được thải ra sông", PGS. TS Trần Hồng Côn cho biết.
Sông Tô Lịch nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối là nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Ảnh: Di Linh |
Ví dụ về sông Tô Lịch, PGS Côn cho biết dòng sông này không có nguồn lưu thông. Do đó nếu chỉ xử lý nước thải rồi đổ ra sông thì cũng chưa thể giúp sông "hồi sinh".
"Vào mùa khô, sông Tô Lịch chỉ có khoảng 20-30cm nước khiến động thực vật thủy sinh khó sống. Muốn có sự sống thì cần mực nước từ 0.5-1m trở lên.
Khi đó, động thực vật thủy sinh sống được thì sông mới có khả năng tự làm sạch.
Chúng ta có thể bổ sung nước bằng cách kết hợp nước thải đã xử lý, nước mưa và xây đập mở (có thể đóng mở -PV) tùy theo độ cao của sông để giữ nước, điều chỉnh nước", ông Côn nói.
Theo ông Trần Hồng Côn, hai biện pháp trên nếu thực hiện được thì sông sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, hiện việc thu gom nước thải vẫn chưa được tiến hành triệt để nên sông vẫn ô nhiễm.
"Sau khi tách, xử lý nước thải triệt để thì sông sẽ mất mùi hôi thối. Nếu giữ được mực nước thì khoảng 1 năm sau, sông có thể bắt đầu tự làm sạch, tự điều hòa được", PGS Côn nhận định.
'Hồi sinh sông chết ở Hà Nội': Cần cả kỹ thuật và ý thức con người
Chuyên gia môi trường cho rằng vấn đề "hồi sinh sông chết ở Hà Nội" cần cả kỹ thuật và ý thức con người. |