Hơn 400 phượt thủ 'càn quét' rác trên núi Bà Đen

 Nhiều người leo núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) vô ý thức vứt thẳng rác thải xuống đất gây ô nhiễm, làm mất mỹ quan nơi đây. Thấy vậy, một bạn thành lập ra cộng đồng phượt khá nổi tiếng ở Việt Nam đã phát động chiến dịch ngưng xả rác, kêu gọi chung tay vì môi trường xanh và nâng cao ý thức mọi người.
hon 400 phuot thu can quet rac tren nui ba den
Hơn 400 thành viên lên dọn rác ở núi Bà Đen. Ảnh: Minh Hòa.

Trong hai ngày, 25 và 26/2, chúng tôi đã ghi nhận thực tế tình trạng rác thải sinh hoạt tràn lan trên 2 con đường mòn (tự phát) để mọi người, những người thích du lịch bụi (phượt) đi bộ lên núi cắm trại… hoặc thắp hương (nhang) để thể hiện lòng thành tâm. Mặc dù dọc cung đường có rất nhiều băng rôn nhỏ mang khẩu hiệu “Ba lô trên vai mang rác trở về”, “Mang thức ăn lên nhớ mang rác xuống” nhưng tình trạng rác thải (nhiều nhất là chai nhựa) vẫn còn nhiều người thiếu ý thức tiện tay vứt thẳng xuống đất trong lúc đi mà không một chút suy nghĩ.

hon 400 phuot thu can quet rac tren nui ba den
Các phượt thủ leo lên núi hiểm trở. Ảnh: Minh Hòa.

“Tôi leo núi Bà Đen đã nhiều lần rồi, nhưng lần này là đầu tiên tôi vừa leo vừa nhặt rác từ chiến dịch ngưng xả rác của các bạn bên phượt”, bạn Vương Mai, sinh viên một trường đại học ở địa bàn TP HCM tham gia chiến dịch kể lại.

Núi Bà Đen (tên gọi khác Điện Bà) là ngọn núi cao nhất miền nam Việt Nam (986m) là biểu tượng cho mảnh đất và con người tỉnh Tây Ninh. Núi nằm trên địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Hòa Thạnh, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 11km).

Có nhiều con đường để lên núi, nhưng hai đường mà mọi người thường chọn để chinh phục nhất là đường mòn nằm sau lưng chùa Bà (chùa Bà Đen), mọi người thường gọi là đường chùa, đường này xấu, rất khó đi, tuy ngắn nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm như: đá lở, trơn trợt, có hai trạm tiếp tế lương thực và nước uống. Tuy nhiên, cung đường này lại rất thích hợp với những người đam mê phượt, muốn thử thách bản lĩnh của mình.

Một đường mòn khác bắt đầu từ đài Liệt sĩ đi theo các trụ điện (mọi người thường gọi là đường cột điện), cung đường này dễ đi nhưng phải vòng theo sườn núi nên quãng đường dài hơn, nắng, ít người qua lại và không có trạm tiếp tế. Một người bình thường có thể mất khoảng từ 3-4 tiếng để đi tới đỉnh.

hon 400 phuot thu can quet rac tren nui ba den
Các thành viên mang rác xuống núi. Ảnh: Minh Hòa.

Khoảng 14h30 ngày 25/2, hơn 400 thành viên (cả nam và nữ, đa số là sinh viên) đã tham gia chiến dịch ý nghĩa này. Mọi người chọn cung đường cột điện để lên đỉnh dọn rác, khoảng thời gian này trời nắng dịu giúp cho mọi người đỡ mệt trong lúc dọn rác.

Trong lúc đi, các leader (người hướng dẫn) sẽ phân công cho mọi người rõ ràng, các loại rác thải sau khi được nhặt sẽ phân loại tại chỗ và bỏ vào trong bao tải, cột chặt rồi để sát vào hai bên đường. Theo ghi nhận, dọc hai bên đường tràn ngập rác thải sinh hoạt do những người vô ý thức đã tiện tay vứt thẳng xuống đất, bụi cây trong lúc đi.

“Chiến dịch gặp rất nhiều khó khăn, lúc đầu kêu gọi tôi nhận nhiều sự phản đối của cộng đồng khi cho rằng không khả thi khi số lượng người xả rác quá nhiều và không thể thay đổi được họ. Sau đó, chiến dịch nhận được sự đồng tình của cộng đồng nhiều hơn, đến nay tôi quyết định bắt đầu chiến dịch này”, Nguyễn Tuấn Anh (25 tuổi, người thành lập ra cộng đồng Ờ Phượt – chia sẻ về vấn đề phượt) cho hay.

Sau khi lên tới đỉnh trời đã tối mù, mọi người sẽ tìm chỗ dựng lều, ăn uống và nghĩ ngơi chuẩn bị sức cho ngày mai xuống núi. Trong đêm, mọi người sẽ đi giao lưu, làm quen với những bạn khác trong nhóm bằng các logo, bài hát…

Khoảng 7h sáng 26/2, mọi người chia thành hai nhóm, một nhóm (khoảng 250 thành viên) chọn đường chùa để đi xuống núi và dọn rác, nhóm còn lại sẽ xuống đường cũ để vác những bao tải chứa rác để hai bên đường xuống điểm tập kết dưới chân núi. Khi gần đến chân núi (còn khoảng 300m) trời chuyển mây đen, lúc này tất cả mọi người đã mệt rũ, nhưng nhờ sự động viên nhau và quyết tâm của các bạn đã cố gắng và cuối cùng cũng xuống được điểm tập kết.

Tại điểm tập kết rác thải chất cao hơn đầu người bình thường, rác thải sẽ được đem đi đốt bỏ, riêng chai nhựa sẽ bán ve chai và lấy tiền để chuẩn bị cho chi phí lần chiến dịch tiếp theo. Tổng trọng lượng rác thải và chai nhựa mà mọi người đưa xuống hơn 150kg (trong đó rác hơn 100kg).

Khi được hỏi về mục đích của chiến dịch lần này, Tuấn Anh nhấn mạnh: “chiến dịch ngưng xả rác lần này nhằm tuyên truyền và kêu gọi mọi người ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường bắt đầu từ hành động ngưng xả rác”.

“Sau khi nhặt rác ở núi Bà Đen lần này, tôi càng tin hơn vào những người trẻ dám thay đổi bản thân. Tôi thấy mở đầu chiến dịch rất thành công, truyền cảm hứng mảnh liệt cho tôi để tiếp tục hành động, tôi dự kiến sẻ mở rộng chiến dịch ra nhiều tỉnh thành khác”, Tuấn Anh chia sẻ.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.