HoREA: Khoảng 100.000 condotel chưa được cấp 'sổ hồng' trong 8 năm qua

Theo HoREA, trong 8 năm qua, hầu như các chủ sở hữu khách sạn, căn hộ khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch... chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu.

Vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) tiếp tục có công văn góp ý khoản 6 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, bổ sung Điều 32a Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Theo Hiệp hội, trong 8 năm qua, các địa phương vẫn chưa cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở” theo quy định tại Điều 104 Luật Đất đai và Điều 32 Nghị định 43/2014 cho các “công trình xây dựng không phải là nhà ở”, trong đó có khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel).

Bên cạnh đó, một số địa phương lại tuỳ tiện “cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ du lịch (condotel)” và tự đặt ra khái niệm “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Việc này đã được các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương thanh kiểm tra và kết luận là trái với các quy định của Luật Đất đai 2013. 

Do vậy, trong 8 năm qua, hầu như các chủ sở hữu khách sạn, căn hộ khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (là các công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch.

HoREA đánh giá, việc chậm cấp “sổ hồng” cho các công trình trên hoàn toàn không phải do quy định của Luật Đất đai. Nguyên nhân chủ yếu là do Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản chưa quy định cụ thể để thực hiện quy định việc cấp Giấy chứng nhận thì “phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật”. Luật Du lịch cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông. Ngoài ra còn có nguyên nhân do công tác thực thi pháp luật của các địa phương. 

 Một dự án condotel tại Đà Nẵng. (Ảnh: Vietnamnet).

Nhận xét về Điều 32a, HoREA cho rằng, việc sử dụng cụm từ “Chứng nhận quyền sở hữu” không đồng bộ với Điều 104 Luật Đất đai 2013 quy định “Cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản gắn liền với đất” và Điều 70, Điều 72 Nghị định 43/2014.

Cách thể hiện “Cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với tài sản gắn liền với đất” chỉ rõ đây là một thủ tục hành chính và chủ sở hữu công trình xây dựng cũng biết rõ là sẽ được “Cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở”. 

Bên cạnh đó, khoản 1 Dự thảo Điều 32a quy định chủ sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu “phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản”. 

Nhưng, hiện nay Luật Xây dựng 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh và quản lý các loại công trình xây dựng không phải là nhà ở. Vấn đề này chỉ được điều chỉnh bởi một số văn bản dưới luật như Nghị định 02/2022 và Thông tư 03/2021.

“Do vậy, rất cần thiết sử dụng cụm từ “phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản” thay thế cho cụm từ “phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản”, công văn của HoREA nêu rõ.

Để khắc phục các bất cập trên, HoREA kiến nghị sửa đổi khoản 6 Điều 1 Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, bổ sung Điều 32a Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:

“Điều 32a. Cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ

1. Chủ sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản (…)”.

Hiệp hội cũng đề nghị, khi xem xét sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Xây dựng 2014, Luật Đất đai 2013 và Luật Du lịch 2017 cần bổ sung các quy định pháp luật để điều chỉnh đồng bộ hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý vận hành đối với loại hình “công trình xây dựng không phải là nhà ở, phục vụ mục đích lưu trú, du lịch”.  

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.