Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý quy định về đấu thầu dự án có sử dụng đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đơn vị thông tin, hiện nay vẫn có các nhà đầu tư dự án nhà ở thương mại tự thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các chủ đất. Song, do gặp nhiều khó khăn, trở ngại nên dễ dẫn đến tình trạng không thể triển khai dự án, bị chôn vốn.
Vì vậy, đa số nhà đầu tư nhà ở thương mại đều mong muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để có ngay quỹ đất sạch.
Mục đích của đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất đều nhằm lựa chọn nhà đầu tư, tuy nhiên vẫn có điểm khác biệt. Mục đích đấu giá là để lựa chọn nhà đầu tư trả giá cao nhất. Trong khi đó, mục đích đấu thầu là để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực nhất, dự án có chất lượng tốt nhất và có cam kết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước cao nhất.
Trước thực trạng trên, HoREA đã nêu lên một số kiến nghị tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thứ nhất, đề nghị không đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất chưa giải phóng mặt bằng. Thay vào đó, chỉ đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất đã giải phóng mặt bằng để tránh xảy ra xung đột lợi ích giữa cơ quan nhà nước với người có đất bị thu hồi sau khi đã lựa chọn nhà đầu tư.
Đồng thời, bỏ quy định về trách nhiệm của UBND cấp có thẩm quyền phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu.
Thứ hai, đề nghị bổ sung thêm các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất để thực hiện các dự án thương mại, dịch vụ, y tế, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất phi nông nghiệp.
Thứ ba, đề nghị HĐND cấp tỉnh chỉ quy định các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với tình hình địa phương; UBND cấp tỉnh quyết định dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Thứ tư, đề nghị bổ sung điều kiện có quy hoạch xây dựng 1/500 đối với thửa đất, khu đất thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Lý do là bởi thửa đất, khu đất đã có quy hoạch xây dựng 1/2000 thì đã có căn cứ lập dự án để nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trường hợp thửa đất, khu đất đã có quy hoạch xây dựng 1/500 thì nhà đầu tư lại càng có thêm các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể để lập hoàn chỉnh dự án đầu tư tham gia đấu thầu dự án có sử dụng đất.
"Như trường hợp TP HCM đã đấu giá 4 lô đất thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã có quy hoạch 1/500 (nay đã hủy kết quả cuộc đấu giá). Hiệp hội nhận thấy, TP HCM hoàn toàn có thể lựa chọn thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với 4 lô đất này", HoREA nêu.
Thứ năm, đề nghị bổ sung quy định khuyến khích nhà đầu tư dự thầu cam kết tự nguyện đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước ngoài đề xuất về tài chính trong hồ sơ dự thầu.
Đơn cử như tại cuộc đấu thầu dự án có sử dụng đất khu đất Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học (quận 1) có diện tích khoảng 12.500 m2, các doanh nghiệp dự thầu đã đề xuất tự nguyện đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 600 - 1.600 tỷ đồng bên cạnh đề xuất trong hồ sơ dự thầu.
Theo HoREA, chỉ nhà đầu tư mới biết rõ hiệu quả đầu tư kinh doanh của dự án để đưa ra mức tự nguyện đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước. Đây cũng là điểm cộng trong trường hợp 2 nhà đầu tư dự thầu có điểm chấm thầu ngang nhau.
Thứ sáu, đề nghị giao thẩm quyền và trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh lựa chọn phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc phương thức đấu giá quyền sử dụng đất. Qua đó, lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Thứ bảy, đề nghị bổ sung quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu, UBND cấp có thẩm quyền phải giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu. Qua đó, bảo đảm quyền và lợi ích của nhà đầu tư trúng thầu.