Hudland đặt mục tiêu lợi nhuận thấp nhất 10 năm, dự án sân golf Thuận Thành 800 tỷ chưa rõ ngày tái khởi động

Trong năm 2021, Hudland đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt sụt giảm 30% và 81% so với năm trước đó. Cuối năm nay, doanh nghiệp kỳ vọng triển khai được dự án khu dân cư mới Bình Giang có quy mô diện tích lớn nhất khu vực (44 ha).

Kế hoạch lãi thấp nhất 10 năm, sắp khởi công khu đô thị 44 ha ở Hải Dương

Sáng nay (14/4), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hudland (mã: HLD) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 thông qua các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm nay đi xuống so với năm 2020. 

Hudland đặt mục tiêu lợi nhuận thấp nhất 10 năm, dự án sân golf Thuận Thành 800 tỷ chưa rõ ngày tái khởi động - Ảnh 1.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021. (Ảnh: Thu Thủy).

Cụ thể, năm 2021, công ty dự kiến doanh thu đạt 135,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 13,7 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 30% và 81% so với kết quả năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong lịch sử hoạt động 10 năm gần đây của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2021 chỉ 7,5% và tỷ lệ cổ tức năm 2020 dự kiến là 25%. Cuối năm 2020, doanh nghiệp vừa thanh toán cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ lên tới 45%. Kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 đang ở mức thấp nhất trong 7 năm gần đây của Hudland.

"Sau nhiều năm liên tục phát triển và đầu tư thì tôi cho rằng có những thời điểm công ty bị chững lại, nhưng nếu nhìn ra xa hơn những năm tới thì triển vọng công ty vẫn là tốt", ông Phạm Cao Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hudland chia sẻ thêm khi đề cập đến kế hoạch kinh doanh kém khởi sắc năm nay.

Ngoài ra, ông Sơn cho hay, mới đây công ty đã thực hiện thoái vốn khỏi đơn vị liên kết là Hudland TS với mức giá 11.800 đồng: "Đây là mức giá không cao, chúng ta không có lãi nhưng cũng coi như hòa vốn". Ngoài ra, ông Sơn cho biết việc thoái vốn khỏi đơn vị liên kết trên là bắt buộc trong bối cảnh Bộ Xây dựng đang có kế hoạch thoái vốn dần khỏi Hudland trong năm nay.

Hudland đặt mục tiêu lợi nhuận thấp nhất 10 năm, dự án sân golf Thuận Thành 800 tỷ chưa rõ ngày tái khởi động - Ảnh 2.

Chủ tịch HĐQT Phạm Cao Sơn chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021. (Ảnh: Thu Thủy).

Bên cạnh đó, công ty cũng xác định các hoạt động chủ đạo trong năm là tập trung triển khai các bước chuẩn bị đầu tư cho dự án Bình Giang - Hải Dương để có thể khởi công vào cuối năm trong điều kiện cho phép.

Dự án có quy mô hơn 44 ha theo mô hình khu đô thị phức hợp, dự kiến cung cấp các loại hình sản phẩm nhà phố, shophouse, biệt thự và chung cư thấp tầng. 

Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được ra mắt trong đầu năm 2021. Tuy nhiên, Hudland cho biết việc nhà nước thắt chặt các hoạt động đầu tư liên quan đến sử dụng đất, đấu thầu dự án… khiến công ty chưa thể đẩy nhanh tiến độ để có bước đệm sản phẩm kinh doanh năm 2021.

Cập nhật tiến độ dự án, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Cao Sơn cho biết về cơ bản đã hoàn thiện thủ tục pháp lý. Mới đây, công ty đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất lúa, hoàn thành giải phóng mặt bằng và thực hiện công tác bồi thường. Hiện Hudland đang chờ Sở Xây dựng Hải Dương thẩm định hồ sơ dự án hạ tầng kỹ huật và thực hiện thủ tục giao đất đợt 1.

Đồng thời, Hudland sẽ bám sát cơ quan quản lý Nhà nước tại các địa phương trong công tác chuẩn bị đầu tư như Vạn An - Bắc Ninh; Đồng Tâm - Yên Bái; Hợp Minh - Yên Bái... và chuẩn bị sẵn sàng điều kiện tham gia đấu thầu nhà đầu tư/đấu giá quyền sử dụng đất các dự án làm tiền đề đầu tư phát triển dự án cho các năm tiếp theo…

Sân golf Thuận Thành 800 tỷ đồng chưa rõ ngày tái khởi động

Theo báo cáo của HĐQT tại đại hội, tình trạng dự án sân golf quốc tế Thuận Thành đã bị tạm dừng từ quý IV/2020 để nghiên cứu thực hiện.

Theo hồ sơ dự án sân golf quốc tế Thuận Thành có tổng vốn đầu tư 797 tỷ đồng. Tổng diện tích dự kiến sử dụng đất dự án là 98 ha, bao gồm các hạng mục Sân golf có diện tích 70 ha (71,4%), Club House 1,8 ha (1,8%), học viện golf 1,4 ha (1,4%), kho xưởng, trạm xử lý nước thải 1 ha (1%); cây xanh, hồ, cảnh quan chung 20 ha (20,4%); đường sá, giao thông 3,8 ha (3,9%).

Theo Báo Xây dựng, hồi đầu năm 2020, Bộ Tài chính từng cảnh báo những nguy cơ rủi ro về năng lực tài chính của Liên danh nhà đầu tư CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản Hudland - CTCP Tư vấn và thương mại Thăng Long khi thực hiện dự án trên.

Cụ thể, thời điểm đó, Bộ Tài chính xét thấy việc đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu dựa trên nguồn vốn vay, trong khi công ty đang phải thực hiện các nghĩa vụ thanh toán công nợ lớn (nợ phải trả chiếm gần 50% tổng cộng nguồn vốn, chủ yếu là nợ ngắn hạn). Điều này dẫn đến rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ theo cam kết đảm bảo huy động vốn đầu tư thực hiện dự án.

Ngoài ra, khoản nợ ngắn hạn và khoản phải thu của Hudland tương đối lớn cho thấy công ty đang bị chiếm dụng vốn, khả năng thanh toán của công ty phụ thuộc lớn vào công tác thu hồi công nợ và công tác bán hàng tồn kho, có thể ảnh hưởng đến dòng tiền để thực hiện dự án.

Cập nhật đến ngày 31/12/2020, tổng nợ phải trả của Hudland đã giảm từ 271 tỷ đồng hồi đầu năm còn 176 tỷ đồng, chỉ chiếm 28% tổng nguồn vốn, trong đó nợ tín dụng là 39 tỷ đồng. Tương tự, phải thu ngắn hạn cũng giảm mạnh từ 348 tỷ đồng còn 121 tỷ đồng.

Trong năm nay, Hudland cho biết sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi vốn và song song triển khai công tác quản lý vận hành dịch vụ trên 2 dự án tại khu B - Bắc Ninh trong khoảng thời gian hỗ trợ 5 năm đầu tiên. Ngoài ra, công ty sẽ thực hiện quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành các dự án đã đầu tư thuộc giai đoạn trước đây như dự án Liền kề Bắc Ninh (Khu A), Green House và Hudland Tower.

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.