Hưng Yên đầu tư nhiều tuyến đường huyết mạch phát triển kinh tế

Trong đoạn 2022- 2023, Hưng Yên tập trung đầu tư nhiều tuyến đường huyết mạch như: dự án đường Vành đai IV qua địa phận Hưng Yên với chiều dài 19,3 km; dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2); dự án Đường Tân Phúc - Võng Phan; dự án Đường trục ngang kết nối Quốc lộ 39 (Km22+550) với đường tỉnh 376…

Một dự án cầu, đường đang xây dựng ở Hưng Yên. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Cùng đó, tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và khởi công nhiều công trình như: tuyến đường từ nút giao Lý Thường Kiệt với đường đường tỉnh 378; đường Chính Nghĩa - Phú Cường; đường Chí Tân - Toàn Thắng; đặc biệt là xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng với tổng mức đầu tư 9.275 tỷ đồng, đi qua các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy cho rằng, việc xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thiết yếu của Hưng Yên nói riêng, khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt.

Dự án sẽ nâng cao nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và khai thác được quỹ đất dọc hai bên tuyến, phát triển, hình thành các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ du lịch... thu hút đầu tư trên địa bàn huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên.

"Khi dự án đi vào hoạt động sẽ hình thành tuyến đường liên kết vùng kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng theo trục Thăng Long - Phổ Hiến - Tam Chúc - Bái Đính - Chùa Hương, kết nối giao thông vùng Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nam - Ninh Bình. Đây là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX", ông Nguyễn Lê Huy chia sẻ.

Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện Sở đang tích cực ưu tiên, đẩy nhanh tiến độ triển khai 2 dự án trọng điểm của tỉnh là đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Đến nay, tại tỉnh Hưng Yên công tác giải phóng mặt bằng đã đạt được trên 84% và các đơn vị cũng đang thi công xây dựng công trình Dự án thành phần 2.2 - Xây dựng đường song hành (đường đô thị). Cùng đó, dự án Tân Phúc - Võng Phan cũng đã tổ chức lựa chọn xong nhà thầu, hiện các địa phương có dự án đi qua là Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ đang tập trung giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, việc triển khai các dự án còn gặp nhiều khó khăn như tiến độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; giải phóng mặt bằng chậm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, hoạt động vận tải phù hợp và đáo ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của vùng, của tỉnh.

Đồng thời, tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành phố liên quan triển khai một số dự án giao thông đối ngoại như: hoàn thành giai đoạn 2 tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; phối hợp với thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh đẩy nhanh tiến độ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô…

Tỉnh chú trọng sử dụng hợp lý các nguồn vốn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên công trình giao thông có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị và phương thức vận tải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương; ưu tiên dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

Đồng thời, các ngành, địa phương phối hợp để tập trung xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án, nhất là giải phóng mặt bằng di dời hạ tầng kỹ thuật; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân, đảm bảo hoàn thành theo đúng kế hoạch, nhất là đối với dự án trọng điểm.

Với phương châm “giao thông phải đi trước một bước”, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã quan tâm đầu tư xây dựng công trình giao thông, từ đó nâng cao năng lực khai thác của nhiều tuyến đường, tạo động lực thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, đô thị trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX đề ra "Xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại", Tỉnh ủy Hưng Yên ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 15/6/2021 về "Chương trình phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030".

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 07-NQ/TU bằng nhiều kế hoạch, đề án cụ thể; đồng thời tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, đầu mối giao thông quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng Đồng bằng sông Hồng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…

chọn
Cẩn trọng bẫy 'liều ăn nhiều' với đất nền chưa xong pháp lý
Theo chuyên gia Batdongsan.com, lợi nhuận cao luôn đi kèm rủi ro lớn. Nếu đón đầu thành công, các lô đất nền chưa xong pháp lý sẽ mang lại nhiều lợi nhuận vì giá mua vào thấp hơn 20-40%. Song, phần nhiều các lô đất chưa được cấp sổ là do vướng nhiều vấn đề phức tạp, dính quy hoạch… Người mua nên tránh bẫy “liều ăn nhiều”.