Các bậc phụ huynh thời nay có nhiều thời gian và điều kiện trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái hơn thời trước. Việc định hướng nghề nghiệp thì ở thời nào cha mẹ cũng quan tâm đến tương lai của con, nhưng định hướng ở độ tuổi nào là phù hợp với trẻ lại là một vấn đề cần cân nhắc.
Phụ huynh nên quan tâm đến chuyện hướng nghiệp cho con từ cấp hai (Ảnh: Baomoi) |
Hướng nghiệp cho con từ cấp ba là quá muộn
Độ tuổi này con cái đang bước vào giai đoạn dậy thì, bọn trẻ sẽ bận rộn với việc phát sinh những tình cảm khác giới, bận làm đẹp bề ngoài, bận quan tâm đến rắc rối của chính mình với xã hội hơn là việc nghiêm túc nhìn nhận cho tương lai. Ở độ tuổi từ 15 đến 18 là một khung tuổi “nổi loạn” về cách sống và lối suy nghĩ. Bọn trẻ dễ dàng thần tượng những lối sống không đúng chuẩn mực, dễ dàng sa đà vào yêu đương và bỏ bê học tập, dễ dàng lười biếng và quan tâm đến vẻ bề ngoài hơn là chiều sâu trí tuệ. Vì thế, việc hướng nghiệp cho con cái thời kì này vô cùng khó khăn, thậm chí nhiều phụ huynh bày tỏ sự bất lực trước những đứa con “bất trị”, không nghe lời cha mẹ.
Điều này là dễ hiểu bởi ngay từ đầu các bậc phụ huynh đã sai lầm trong công tác hướng nghiệp cho con. Cho rằng độ tuổi này mới đủ nhận thức để biết bản thân muốn gì mà không nghĩ đến sự “nổi loạn” ở tuổi dậy thì của các con.
Hướng nghiệp cho con từ cấp hai là hợp lí
Từ cấp một lên cấp hai, lũ trẻ cũng đã học được cơ bản các kĩ năng sống, tuy trường học vẫn là nơi để bọn trẻ hàng ngày đến đó nhưng tự bản thân các con đã đặt cho mình câu hỏi: “Học để làm gì? Tại sao phải đi học?”. Nếu cha mẹ không chú ý đến trạng thái tâm lý của con mà chia sẻ kịp thời thì chúng sẽ tự trả lời câu hỏi cho chính mình: “Mình đi học là vì bố mẹ bắt đi học, đi học là vì chẳng biết phải làm gì”. Điều này rất nguy hiểm, bởi nó sẽ là tâm lí ám thị đeo đẳng bọn trẻ cho đến khi chúng học lên cấp cao hơn.
Các bậc phụ huynh cần chia sẻ với con cái tầm quan trọng của việc học, tại sao phải đi học, học để làm gì một cách thấu đáo cho con hiểu. Quan tâm, lắng nghe ý muốn của con, phát hiện những năng khiếu hoặc sở thích nổi trội, từ đó có biện pháp hướng nghiệp đúng đắn.
Học sinh cấp ba có nhiều mối quan tâm hơn việc học, điều này khiến việc hướng nghiệp của cha mẹ trở nên khó khăn (Ảnh:Baomoi) |
Hướng nghiệp cho con như thế nào?
“Không ép buộc” luôn là một từ khóa quan trọng trong việc hình thành tính cách và sự tự giác của trẻ. Phụ huynh cần quan tâm đến sở trường, các môn học mà con giỏi hoặc kém, biết được năng lực của con mình, nếu biết con đang thích làm một việc gì đó đúng đắn, hãy khuyến khích con thử sức bằng cách đi làm thêm dịp hè, đây là thời điểm để con bạn nhận ra giữa niềm đam mê và thực tế khác nhau đến thế nào và bản thân mình có đủ quyết tâm để theo đuổi hay không.
Sau khi đã nhìn nhận rõ năng lực của con, hãy tìm những trường đại học hoặc trường nghề phù hợp với con để xem con sẽ phát triển tốt nhất ở môi trường nào. Không ngừng chia sẻ để tìm được tiếng nói chung trong việc định hướng nghề nghiệp, như đã nói ở trên, từ khóa quan trọng là “không ép buộc”.
Nhiều phụ huynh vì bản thân xuất sắc nên không chấp nhận việc con cái kém cỏi hơn mình khi ở độ tuổi của con. Điều này vô hình tạo ra một áp lực “phải giỏi” khiến con cái bị áp lực, phụ huynh cần phải hiểu rằng năng lực của mỗi người là khác nhau, không nên ép buộc con cái phải hoàn hảo như cha mẹ. Hãy cho con cái được sống cuộc đời mà nó muốn, dù đúng hay sai thì đó cũng là bài học để chúng trưởng thành, việc của cha mẹ là luôn bên cạnh, hướng dẫn, chia sẻ và đừng kì vọng quá nhiều vào con mình.