Khi tìm mua smartphone trên Lazada, Shopee, Sendo, người dùng chắc không ít lần bắt gặp những chiếc điện thoại cao cấp nhất đến từ Apple và Samsung có giá rẻ bất ngờ. Các sàn thương mại điện tử đang thờ ơ để khách hàng bị lừa bởi ma trận hàng giả khi mua qua mạng.
Tìm kiếm iPhone Xs MAX trên Lazada, kết quả có được 8 nhà bán với mức giá từ 2,65 triệu đến 3 triệu đồng. Thậm chí, nhà bán "smartphone trang nhung" còn ghi rõ trong tên sản phẩm là "khuyến mãi nhiều quá tặng" như tai nghe bluetooth, sạc không dây,... Khi được hỏi về chất lượng, nhà bán này cho biết đây là sản phẩm likenew (đã qua sử dụng nhưng còn như mới), có đầy đủ hộp đựng và phụ kiện.
Theo nhà bán, đây là chiếc iPhone được chính họ xách tay từ Singapore về bán.
Chiếc iPhone cao cấp nhất nhà "táo khuyết" có giá chưa tới 3 triệu đồng trên Lazada. (Ảnh chụp màn hình).
Cũng trên Lazada, nhiều nhà bán hàng cung cấp chiếc Samsung Galaxy Note 9 với giá từ 2,4 triệu đồng đến 2,8 triệu đồng. Tất cả sản phẩm đều được ghi thông tin rất sơ xài, phần mô tả được sao chép từ các trang thông tin điện tử khác.
Tương tự trên Sendo, chiếc smartphone cao cấp nhất của Samsung cũng được rao bán với giá rẻ bất ngờ. Các nhà bán như Linh Nhi Mobile, Văn Thắng Mobile… đều bán đồng giá 4,5 triệu đồng.
Ở Shopee, sản phẩm Galaxy Note 9 có nhà bán đưa ra mức giá "hời" đến đáng lo, chỉ từ 2,3 triệu đồng đến 4,3 triệu đồng.
Điểm chung của các đơn vị cung cấp trên là phần lớn đều xuất phát từ Hà Nội. Thử hỏi nhà bán "shopmobilehot" về chiếc Note 9 có giá 2.850.000 đồng, nhà bán khẳng định đây là bản quốc tế, và chắc chắn sản phẩm sẽ được bảo hành 12 tháng chính hãng nhưng lại không nói rõ nguồn gốc máy từ đâu.
Chiếc phablet của Samsung được bán với nhiều mức giá khác nhau, chỉ từ vài triệu đồng. (Ảnh chụp màn hình).
Theo ghi nhận, trên Shopee có không dưới 20 đơn vị cung cấp iPhone Xs MAX với giá từ 2,4 triệu đến 5,8 triệu đồng. Trong đó, nổi bật là chiếc Xs MAX có giá 2.420.000 đồng từ đơn vị bán "giayluoinamgiagoc.cmbk" đến từ quận Cầu Giấy, Hà Nội, và có đến 15 lượt đánh giá 5 sao (mức cao nhất). Thậm chí có 2 bình luận ghi rõ đây là sản phẩm chất lượng tốt.
Khi được hỏi liệu đây có phải là bản khóa sim của các nhà mạng từ nước ngoài, đơn vị bán khẳng định sản phẩm này là bản quốc tế.
Tuy nhiên, trong phần bình luận, người mua Lê Hoàng Bảo Hân đã có phản hồi rằng chiếc iPhone cô nhận được không thể đăng nhập iCloud, xem như là "cục gạch" vì không thể sử dụng được bất cứ tính năng gì. Cô nhắn tin cho cửa hàng thì lại không nhận được phản hồi.
Thủ tục đăng kí gian hàng trên các sàn thương mại điện tử dưới hình thức cá nhân bán rất đơn giản. Chính sự đơn giản này đã tiếp tay cho các cá nhân, tổ chức bán hàng giả, hàng kém chất lượng thoải mái lừa dối khách hàng.
Nếu muốn bán hàng trên Lazada, đơn vị bán chỉ cần cung cấp số điện thoại để xác nhận là có thể tạo tài khoản bán hàng. Tiếp theo, đơn vị bán chỉ mất vài phút để điền các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, tên gian hàng, ảnh chụp chứng minh nhân dân là có thể hoàn tất thủ tục đăng kí.
Trong điều khoản với nhà bán hàng, Lazada là "kẻ vô tội" trong trường hợp khách hàng mua phải hàng giả.
Lazada ghi rõ: "Nhà bán hàng sẽ chịu trách nhiệm, chịu mọi rủi ro và trách nhiệm pháp lí đối với việc tìm nguồn cung ứng, bán hàng, bao bì gốc, chất lượng sản phẩm và bảo hành sản phẩm (nếu có) đối với toàn bộ Hàng Hóa FBL (PV - hàng hóa thực hiện bởi Lazada)".
Mọi khiếu nại liên quan đến hàng hóa, từ bất kì cơ quan có thẩm quyền liên quan, khách hàng hoặc bất cứ bên thứ ba nào, sẽ thuộc trách nhiệm của nhà bán hàng. Trừ các khiếu nại về chất lượng sản phẩm bị hư hao trong quá trình sàn này lấy hàng, lưu kho, và vận chuyển, Lazada không bị ràng buộc trách nhiệm nào về các khiếu nại liên quan đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Chỉ cần xác thực qua số điện thoại, bất cứ cá nhân nào cũng có thể bán hàng trên Sendo. (Ảnh chụp màn hình).
Sàn Sendo cũng có thủ tục tương tự. Tuy nhiên, Sendo bắt buộc người bán phải đăng kí thêm SenPay, xác thực tài khoản ngân hàng để Sendo chuyển tiền giao dịch.
Trong quy chế hoạt động, Sendo quy định thành viên phải có nghĩa vụ "chịu trách nhiệm về nội dung, hình ảnh của thông tin doanh nghiệp và các thông tin khác, cũng như toàn bộ quá trình giao dịch với các đối tác trên sàn giao dịch TMĐT sendo.vn".
Khi có tranh chấp, Sendo chỉ "cung cấp cho người tiêu dùng thông tin đăng kí của người bán, tích cực hỗ trợ người tiêu dùng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân".
Với Shopee, mọi thủ tục còn đơn giản hơn thế, nếu người bán cá nhân có sẵn tài khoản. Chỉ cần xác thực tài khoản qua số điện thoại, người bán chỉ việc truy cập vào trang bán hàng và đăng sản phẩm.
Tương tự, Shopee cũng miễn trừ mọi trách nhiệm của mình về hàng giả.
Khách hàng đang phải đối mặt với ma trận hàng giả trên Lazada, Shopee, Sendo vì quy định bán hàng lỏng lẻo. (Ảnh: Tất Đạt).
Quy định xử phạt của 3 sàn thương mại điện tử trên cũng rất lỏng lẻo. Theo đó, chỉ khi khách hàng hoặc đơn vị chính hãng báo cáo lên Lazada, Shopee và Sendo, thì các nhà bán hàng mới bị xem xét xử phạt. Với Lazada, khung hình phạt được đưa ra là gỡ bỏ sản phẩm và hạn chế đăng sản phẩm mới trong vòng 7 ngày.
Shopee nhẹ nhàng hơn khi chỉ gỡ sản phẩm và người bán bị phạt 1 điểm Sao Quả Tạ/lần bán sản phẩm giả.
Hệ thống điểm Sao Quả Tạ chỉ dừng lại ở mức kiếm soát số lượng sản phẩm được đăng bán. Với 3-5 điểm, nhà bán chỉ được đăng tối đa 200 sản phẩm; từ 6 điểm trở lên chỉ được đăng tối đa 50 sản phẩm. Mức phạt trên hầu như không gây ảnh hưởng gì đến tình hình kinh doanh của người bán nhỏ lẻ.
Sendo xử lí những trường hợp bán hàng giả bằng cách xóa sản phẩm và cấm đơn vị cung cấp hoạt động trên sàn trong 3 ngày. Nếu trong 30 ngày tiếp theo, đơn vị vẫn vi phạm thì cấm hoạt động 7 ngày. Vi phạm lần nữa trong 30 ngày tới sẽ bị Sendo cho dừng hoạt động.
Giá hàng xách tay không thể rẻ hơn một nửa so với chính hãng
Đối chiếu với giá bán từ một người chuyên nhập điện thoại cao cấp của Apple và Samsung từ Singapore qua đường xách tay tại đảo Phú Quốc, giá được rao trên các sàn thương mại điện tử trên là không hợp lí. Người này tận tay mua từ Apple Store và cửa hàng Samsung chính hãng ở Singapore nên chế độ bảo hành vẫn được áp dụng ở Việt Nam. Mỗi lần mua chỉ được 10 chiếc.
Theo thông tin anh cho biết không có sản phẩm nào về tới Việt Nam lại rẻ hơn một nửa so với chính hãng. Đợt hàng gần đây nhất vào tháng 5 vừa rồi, iPhone X 256GB được anh bán ra với giá 15,3 triệu đồng và 17,5 triệu đồng cho Galaxy S10 Plus. Vậy nếu các sản phẩm được rao với giá chỉ vài triệu đồng trên Lazada, Shopee, Sendo kia được xách tay, thì nguồn hàng họ lấy từ đâu?