Theo báo cáo của JLL, làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 4 đã làm thị trường bất động sản công nghiệp trầm lắng trong quý II. Thị trường miền Bắc không đón nhận dự án FDI nổi bật nào, mà chủ yếu là các dự án quy mô nhỏ.
Tính đến hết trong quý II, tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê tại thị trường miền Bắc là 9.700 ha, tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn là 1,9 triệu m2 sàn.
Tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy ở khu công nghiệp miền Bắc vẫn ổn định, duy trì ở mức 75%.
Giá thuê đất giữ nguyên ở mức 107 USD/m2, tăng 5,9% so với cùng kì năm trước, nhưng đà tăng đã chậm lại so với quý I. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tại talk show "Bất động sản phụ trợ công nghiệp" do Hải Phát Land tổ chức mới đây, bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn sôi động.
Dù ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng các tập đoàn, các quỹ đầu tư lớn vẫn đang tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, như là khu công nghiệp An Phát 1 ở Hải Dương nhận được khoản đầu tư từ công ty Actis hay tập đoàn ESR vẫn tiếp tục đầu tư vào nhà xưởng và kho xây sẵn cho thuê ở Bình Dương. Danh mục các nhà máy được đầu tư ở Việt Nam cũng tiếp tục được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, không chỉ dừng lại ở năng lượng, điện tử hay may mặc.
So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam là quốc gia thu hút khá tốt về nguồn vốn FDI. Thời gian qua, một số doanh nghiệp đã dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, cụ thể là tới các khu công nghiệp ở Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Phòng, BÌnh Dương...
Bà Vân đánh giá sự đa dạng trong việc thu hút các ngành nghề cũng như các điểm đến cho thấy thị trường bất động sản các khu công nghiệp Việt Nam vẫn phát triển sôi động.
Thị trường Việt Nam trước đây nhằm nhiều vào việc bán đất để cho các nhà sản xuất tự xây dựng nhà xưởng thì bây giờ các quỹ ngoại hoặc các công ty Việt Nam đã quan tâm đầu tư làm nhà xưởng và nhà kho cho thuê. Điều này khiến thị trường tăng tính cạnh tranh, đem tới nhiều sự lựa chọn cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất.
Theo bà Nguyễn Hồng Vân, bất động sản công nghiệp đang được thúc đẩy bởi nhu cầu của thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Khi sản xuất ra tăng, nhiều nhà đầu tư đặt nhà máy ở Việt Nam không chỉ cho xuất khẩu mà còn để phục vụ tiêu dùng trong nước. Việt Nam đang phát triển tốt về bất động sản logistics so với khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu gia tăng của thị trường là tiền đề quan trọng cho sự phát triển diễn ra nhanh chóng hơn.
"Mặc dù có những khó khăn do Covid-19 trong thời gian qua, tuy nhiên tôi tin tưởng rằng thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ là thị trường rất tiềm năng để phát triển vì những yếu tố về vị trí, sự đầu tư không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng... Chúng ta sẽ có quyền lạc quan về triển vọng của thị trường", chuyên gia JLL khẳng định.
Cũng tại tọa đàm trên, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã chỉ ra các yếu tố giúp bất động sản công nghiệp Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư thời gian qua.
"Việt Nam có chính trị ổn định, vị trí địa lý, sự phát triển mạnh mẽ về xuất nhập khẩu và khả năng thu hút đầu tư FDI. Chúng ta cũng đã ký kết hợp tác, đa dạng hóa các đối tác đầu tư chiến lược ở các quốc gia lớn trên thế giới. Chúng ta đang ở thời cơ vàng, tỷ lê dân số vàng, người lao động trẻ, có trí tuệ, cần cù chịu khó... Đó chính là yếu tố thu hút các doanh nghiệp 'đại gia' trên thế giới đến 'làm tổ' tại các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội".
Theo đánh giá của chuyên gia JLL, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại phía bắc cao, hiệu suất hoạt động tốt. Đây là thị trường có tính cạnh tranh so với cả các khu vực khác ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh quỹ đất công nghiệp tại miền Nam không còn nhiều.
Hà Nội có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp khoảng 90%, và vẫn còn dư địa phát triển khoảng 1.000 ha.
"Đặc biệt khu vực phía nam Hà Nội có vị trí chiến lược tốt, nằm trên trục giao thông kết nối giữa miền Bắc và miền Nam. Khu vực này cũng còn nhiều dư địa để phát triển vì quỹ đất tốt, ít bị cạnh tranh về lao động so với các tỉnh miền Bắc khác", Giám đốc thị trường JLL Việt Nam cho biết.
Với góc nhìn của các doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất phát triển các dự án nhà máy xí nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, ông Nguyễn Vân phân tích, các doanh nghiệp tìm kiếm quỹ đất thuê làm nhà xưởng sản xuất thì yếu tố địa lý đóng vai trò rất quan trọng. Khu công nghiệp cần tiếp giáp vị trí đường cao tốc Bắc - Nam, dễ dàng di chuyển ra cảng biển, đến sân bay, thuận tiện để xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ chọn những khu vực được các cấp chính quyền quan tâm về cơ chế, ưu đãi đầu tư.
Trên địa bàn TP Hà Nội, mặc dù dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, qua 4 đợt dịch Hà Nội đều cơ bản khống chế được tình hình, không để xảy ra lây lan quá phức tạp trong các khu công nghiệp. Điều này cho thấy môi trường làm việc an toàn, ổn định tại đây.
Vùng phía nam Hà Nội có các "điểm sáng" về hạ tầng như quy hoạch phát triển huyện Phú Xuyên thành khu đô thị vệ tinh trọng điểm phát triển trong lĩnh vực công nghiệp và đô thị dịch vụ, đề xuất làm sân bay tại huyện Ứng Hòa...
"Trong hiệp hội của tôi cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã tìm đến, đặt hàng chủ đầu tư khu công nghiệp phụ trợ nam Hà Nội để ký hợp đồng thuê đất và phát triển các nhà máy, tổ hợp nhà máy, xí nghiệp trong thời gian qua và tới đây. Khi tình hình dịch bệnh kiểm soát, vắc-xin được tiềm đầy đủ thì đông đảo doanh nghiệp sẽ tìm đến các nhà máy", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho biết.