Theo thông tin chúng tôi nhận được, ngày 16/6, khi trả lời báo chí, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội có cho biết đơn vị này có yêu cầu Công ty CP Tập đoàn công nghệ Việt Nhật (JVE) cung cấp tài liệu theo chỉ đạo của TP về thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor ở sông Tô Lịch vào năm ngoái.
Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng cho biết hiện chưa nhận được và JVE chưa liên hệ lại. "Vậy chúng tôi hiểu là công ty đã từ bỏ việc xử lí nước trên sông Tô Lịch", tờ VnExpress dẫn lời đại diện Sở Xây dựng Hà Nội.
Về thông tin nêu trên, ngày 17/6, JVE khẳng định đơn vị này "chưa từng có phát ngôn hay có công văn nào nói rằng từ bỏ việc xử lí ô nhiễm, cải tạo sông Tô Lịch".
Đáng chú ý, phía công ty thí điểm công nghệ Nano-Bioreactor ở sông Tô Lịch và một góc hồ Tây cũng cho biết đang cùng đơn vị Nhật Bản chuẩn bị báo cáo đề án cải tạo tổng thể sông Tô Lịch.
Theo JVE, hiện sông Tô Lịch có 2 nguồn gây ô nhiễm là nước thải bên ngoài và nguồn ô nhiễm bên trong.
Đơn vị này dẫn đánh giá của chuyên gia Nhật Bản cho rằng việc làm cống ngầm thu gom nước thải dọc sông mới chỉ giải quyết được ô nhiễm bên ngoài.
"Chỉ thu gom thôi là chưa đủ vì không tác động xử lí ở bên trong thì không thể hết được ô nhiễm", JVE cho hay.
Theo đơn vị này, công nghệ Nano-Bioreactor có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm bên trong của sông Tô Lịch.
Về đề án cải tạo tổng thể, JVE cho biết hiện phía đơn vị Nhật Bản đang xây dựng phương án kết hợp thu gom nước thải bằng cống ngầm và xử lí ô nhiễm bên trong sông Tô Lịch để báo cáo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội.
Đáng chú ý, đơn vị này cũng cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các chuyên gia nhật Bản chưa thể nhập cảnh. Do đó, JVE không có thẩm quyền thay thế cung cấp các tài liệu liên quan theo yêu cầu.