Kẹt xe, ngập nước, dự án metro, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chậm tiến độ khiến TP HCM đang dần kém hấp dẫn

Đại diện nhiều tổ chức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng thủ tục hành chính rườm rà, kẹt xe và sự chậm trễ tiến độ các dự án metro, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang khiến TP HCM kém hấp dẫn.

Tại Hội nghị Gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sáng nay (23/3), đại diện các doanh nghiệp FDI bày tỏ lo ngại trước việc một số dự án bị chậm trễ, quy định và chính sách còn bất cập, có thể ảnh hưởng đến quá trình hợp tác và đầu tư.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong năm 2018, TP HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bí thư Nhân khẳng định vai trò của các doanh nghiệp  FDI đối với sự phát triển của TP HCM, như giữ đà tăng trường, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế theo chiều sâu...

Thủ tục hành chính rườm rà, khung pháp lí thường xuyên thay đổi

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) - bà Amanda Rasmussen, cho biết Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và TP HCM trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và công nghệ chất lượng cao.

Theo bà Amanda Rasmussen, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nên các doanh nghiệp và nhà cung ứng đang không ngừng đa dạng hóa sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là tại TP HCM.

Kẹt xe, ngập nước, dự án metro, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chậm tiến độ khiến TP HCM đang dần kém hấp dẫn  - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp FDI kiến nghị TP HCM tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, hiện hiệu lực của luật pháp và quy định tại Việt Nam, đặc biệt là chính sách thuế đang tạo ra mối đe dọa cho các nhà đầu tư nước ngoài.

"Những thay đổi này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư, ngay cả đối với các dự án đã được cấp phép", Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ nói. 

Bà kiến nghị Chính phủ quan tâm hướng dẫn việc bảo vệ đầu tư, để ngăn chặn tác động tiêu cực và hồi tố ràng buộc của các luật, quy định mới được ban hành đối với các dự án hiện hữu.

Ngoài bất cập về khung pháp lí, theo bà Amanda Rasmussen, hiện thủ tục hành chính rườm rà vẫn là mấu chốt gây khó các doanh nghiệp.

Cụ thể, việc kiểm tra sau nhập khẩu thường xuyên, không cần thiết, kiểm tra thuế với các quy trình dài dòng đã trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp.

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Italy tại Việt Nam (ICham), ông Michele D'Ercole, cũng đề nghị chính quyền thành phố cần khẩn trương tăng cường quá trình cải cách hành chính,  để phục vụ tốt hơn các doanh nghiệp địa phương.

Ông kiến nghị thành phố tập trung giải pháp cải cách hành chính đồng bộ, như xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, đặc biệt là đánh giá sự hài lòng của người dân với các cơ quan hành chính nhà nước.

Kẹt xe ngày càng trầm trọng, dự án metro, sân bay quá chậm trễ

Một vấn đề khiến nhiều đại diện doanh nghiệp FDI băn khoăn chính là sự chậm trễ trong các dự án quan trọng, mang tính trọng điểm của thành phố, như tuyến đường sắt đô thị, sân bay quốc tế, cơ sở hạ tầng giao thông…

Kẹt xe, ngập nước, dự án metro, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chậm tiến độ khiến TP HCM đang dần kém hấp dẫn  - Ảnh 2.

Kẹt xe và nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ cũng khiến các doanh nghiệp FDI lo ngại. (Ảnh: Zing.vn)

"Sự chậm trễ hiện nay của dự án metro,  các dự án quan trọng khác như mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, có những ảnh hưởng đối với các đối tượng liên quan đến sự phát triển của dự án. Việc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác, vì nó làm tăng chi phí sản xuất", đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TP HCM khẳng định.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Australia tại Việt Nam - ông Matthew Lourey, lại cho rằng TP HCM đã phần nào bị mờ nhạt trong việc thu hút đầu tư những năm gần đây, vì tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng nghiêm trọng, sự chậm tiến độ của dự án tàu điện ngầm.

Đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam - ông Nicolas Audier, kiến nghị thành phố đẩy mạnh thực hiện các dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đảm bảo hoàn thành dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên vào năm 2020 như dự kiến.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng TP HCM cần tập trung xử lí tình trạng ngập úng, nâng cao chất lượng các trạm giao thông công cộng, xây dựng một cơ sở hạ tầng toàn diện hài hòa với trật tự đô thị và quy hoạch giao thông.

"EuroCham sẵn sàng hợp tác về quy hoạch phát triển, đẩy nhanh quá trình xây dựng Thành phố thông minh và sáng tạo, và thu hút đầu tư FDI công nghệ cao", ông Nicolas Audier nói.

Năm 2019: TP HCM tập trung giải quyết các dự án chậm tiến độ

Phản hồi của đại diện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết trong năm 2019, thành phố sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề, trong đó, quan trọng hàng đầu là thúc đẩy tiến độ của các dự án đang chậm so với quy hoạch.

Ông Nhân cho hay với dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và Tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành - Tham Lương, thành phố vừa làm việc với nhà đầu tư. Bí thư cho rằng dù hiện chậm tiến độ nhưng đến năm sau sẽ cơ bản hoàn thành. Năm 2021 sẽ chính thức đưa vào vận hành.

Kẹt xe, ngập nước, dự án metro, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất chậm tiến độ khiến TP HCM đang dần kém hấp dẫn  - Ảnh 3.

Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định thành phố tha thiết mời gọi đầu tư nước ngoài nhưng không hoan nghênh hoạt động làm ăn không chân chính. (Ảnh: Phúc Huy).

Đồng thời, các thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được cải thiện, nhằm hướng tới mô hình thành phố thông minh gắn liền khu Đô thị Sáng tạo ở phía Đông.

Dẫn chứng về điều này, Bí thư Nhân cho biết hiện người dân khi đến 322 phường, xã của TP HCM đều có thể bấm nút, đánh giá chất lượng phục vụ công chức về dịch vụ hành chính công. TP HCM sẽ phấn đấu nhận được 80% sự hài lòng của công dân.

Một số quận đã triển khai tốt mô hình phản ánh tình hình vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… qua đường dây nóng. Theo quy định, trong vòng 2h, các chủ tịch phường phải trả lời cho người dân về các thông tin phản ánh.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng thời gian tới sẽ tiếp tục áp dụng các mô hình này để đơn giản các thủ tục hành chính cho địa phương cũng như doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong, khẳng định đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển lâu dài.

Ông Phong đề nghị các sở ngành có liên quan tiếp thu phản ánh và hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong quá trình đầu tư tại TP HCM.

"Thành phố luôn thiết tha mời gọi đầu tư nước ngoài, nhưng cũng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính, trốn tránh nhiệm môi trường, tổn hại đến uy tín của thành phố", ông Phong nói.

Năm 2018, TP HCM thu hút hơn 7 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 15% tổng vốn đầu tư so với năm 2017. Con số này giúp nâng tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn còn hiệu lực trên địa bàn lên thành 44,94 tỉ USD với hơn 8.000 dự án. TP HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về mức độ hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Về phát triển kinh tế, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp kinh tế tăng trưởng trên 8%, TP.HCM, đóng góp hơn 24% tổng sản phẩm quốc nội, 29% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bí thư Nhân: Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ chở khách vào năm 2021Bí thư Nhân: Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ chở khách vào năm 2021 Chính phủ "thúc" làm rõ phương án huy động vốn mở rộng sân bay Tân Sơn NhấtChính phủ 'thúc' làm rõ phương án huy động vốn mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất Gần 36 tỉ USD vốn FDI rót vào Việt Nam năm 2018Gần 36 tỉ USD vốn FDI rót vào Việt Nam năm 2018