Ngay từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay đã có hàng loạt dự án trở thành điểm nóng tranh chấp chung cư. |
Anh Đinh Mạnh Hùng (Hà Đông, Hà Nội) đang có ý định bán căn hộ diện tích chưa tới 60m2 để đổi lấy một căn diện tích lớn hơn và gần trung tâm hơn cho tiện đi làm và cho con cái đi học. Hai vợ chồng anh trước đó đã nhắm tới một dự án nằm trên đường Trung Kính (Cầu Giấy).
Tuy nhiên, vừa qua những thông tin về việc tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại đây khiến vợ chồng anh Hùng quyết định tạm thời dừng xem xét mua nhà ở đây.
“Báo chí đưa tin về dự án không có đường đi, dịch vụ chưa tốt rồi gặp nhiều vướng mắc trong việc làm sổ đỏ và hộ khẩu khiến tôi khá lo ngại. Thời gian trước rất thích dự án này và định bụng thu xếp được tài chính sẽ quyết định hỏi mua tại đây nhưng với những gì đang diễn ra, tạm thời tôi sẽ tìm hiểu thêm các dự án khác”, anh Hùng chia sẻ.
Môi giới tại một sàn giao dịch lớn tại Hà Nội cũng thừa nhận, gặp những khó khăn nhất định trong việc giao dịch những dự án đang có tranh chấp. Nhiều người mua nhà tỏ ra không yên tâm về tính pháp lý, chất lượng dịch vụ, tiện ích cũng như môi trường sống tại đây.
“Không ai muốn mua nhà về rồi suốt ngày đi căng băng rôn đòi quyền lợi cả. Chỉ khi nào những vấn đề tranh chấp được giải quyết thì người mua nhà mới yên tâm giao dịch”, nhân viên này cho hay.
Không chỉ khiến khách hàng ngần ngại giao dịch, nhiều dự án dính dáng tới tranh chấp cũng giảm giá trị đáng kể. Như tại Home City, vào thời điểm tranh chấp nổ ra, giá nhiều căn hộ có thể giảm tới 1-2 triệu đồng/m2. Hiện nhiều căn hộ tại đây giá chỉ còn khoảng 33 triệu đồng/m2, thấp hơn so với mức giá khoảng 36 triệu đồng/m2 vào thời điểm trước đó.
Hay tại một số dự án khác như Parkview Residence Dương Nội, Tràng An Complex (Cầu Giấy), chung cư Thăng Long Garden và Skylight (Minh Khai, Hai Bà Trưng)… sau những phản ánh tranh chấp liên quan đến phần diện tích chung, riêng, phí bảo trì giá bán cũng có xu hướng giảm 1-2 triệu đồng/m2. Với mức giảm này, mỗi căn hộ cũng giảm giá trị ít nhất hàng trăm triệu đồng.
Như Dân trí đã đưa tin trước đó, tại dự án Home City, nhiều cư dân phản ánh, khi mua căn hộ tại đây thì toàn bộ giấy tờ liên quan chủ đầu tư đều ghi rõ ràng là 177 Trung Kính nhưng khi nhận nhà xong thì ngay lập tức bịt lối đi và toàn bộ cư dân phải đi theo đường Nguyễn Chánh. Tuy nhiên, đường Nguyễn Chánh lại khá vòng vèo và không có địa chỉ rõ ràng đã gây nhiều phiền hà và bức xúc cho cư dân.
Cách đó vài hôm, hàng trăm cư dân cụm chung cư CT7 dự án Parkview Residence ở khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Thế Kỷ (Cen Invest) làm chủ đầu tư đã kéo nhau lên tận trụ sở chủ đầu tư để mong muốn giải quyết thỏa đáng các vấn đề bức xúc… Theo phản ánh của cư dân tại đây, khi nhận nhà, có rất nhiều căn hộ bị hụt diện tích so với diện tích đã ký trong hợp đồng mua bán. Cư dân tại đây cũng phản ánh, dù chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho người dân nhiều tháng nay, nhiều hạng mục vẫn dở dang.
Từ năm 2015 trở lại đây, phân khúc căn hộ đã có sự hồi phục nhanh chóng. Nhiều khách hàng xuống tiền mua nhà trong giai đoạn này đều tin tưởng rằng, sau giai đoạn suy thoái, các dự án sẽ được phát triển dự án chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, đến khi nhận bàn giao căn hộ, nhiều khách hàng mới “ngã ngửa” khi thực tế không giống như kỳ vọng và quảng cáo ban đầu.
Tại Hà Nội, ngay từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay đã có hàng loạt dự án trở thành điểm nóng tranh chấp chung cư như: Tràng An Complex (số 1 Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy), New Horizon City (87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai), CT1 Trung Văn (Nam Từ Liêm), Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội)...
Dưới góc độ làm môi giới bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc hàng loạt tranh chấp xảy ra có thể nguyên nhân là từ việc chủ đầu tư phát ngôn, giới thiệu, quảng cáo dự án vượt quá thực tế hoặc bản thân người trung gian làm không chuyên nghiệp, không theo nguyên tắc.
“Với những dự án đang tranh chấp thì cần phải làm rõ những vấn đề chủ đầu tư trước đây có thực hiện đúng pháp luật hay không. Theo quy định, chủ đầu tư phải công bố đầy đủ thông tin dự án, nếu người ta thông tin không đúng, không đầy đủ, sai so với trước đây, và không đảm bảo điều kiện thì họ phải chịu trách nhiệm trước khách hàng. Trong trường hợp chủ đầu tư không chịu trách nhiệm thì cư dân hoàn toàn có thể đưa ra pháp luật để xử lý”, ông Đính nói.
Trong trường hợp trung gian là môi giới thực hiện không đúng nguyên tắc, ông Đính cho rằng, hiện luật đã điều chỉnh khá nhiều và chi tiết đến từng hành vi của người môi giới bất động sản. Trước đây, môi giới hoàn toàn là tự phát, không có đào tạo, không có thẩm tra thẩm định. Tuy nhiên, hiện đã ban hành quy định phải có thẻ hành nghề buộc tư vấn phải làm đúng nếu không sẽ phải chịu chế tài rất mạnh.
Một báo cáo mới công bố từ Hiệp hội Bất động sản cũng nhìn nhận, phân khúc nhà ở cao cấp trong năm 2017 sẽ có biến động đa chiều. Tác động của Chính sách qua việc phân loại sản phẩm tiêu chuẩn, cao cấp... sẽ ảnh hưởng đến các dự án, sản phẩm bất động sản đang được gọi là cao cấp. Những sản phẩm thực sự cao cấp, với các dịch vụ, tiện ích cao cấp đồng bộ, và trách nhiệm cao của chủ đầu tư sẽ tồn tại và phát triển tốt.
Tuy nhiên, những sản phẩm đang gọi là cao cấp nhưng chủ đầu tư chưa đạt đến trình độ quản lý cao cấp, chưa xác định đầy đủ trách nhiệm và nguồn lực, bản thân sản phẩm chưa hội tụ đủ các điều kiện cao cấp cũng như chưa có đủ các dịch vụ, tiện ích tương xứng... sẽ cần có sự thay đổi và điều chỉnh cho phù hợp.