Bà V. chủ một khách sạn 4 sao tại khu vực Bãi Dương - TP Nha Trang cho biết đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để xây dựng khách sạn 180 phòng và đưa vào hoạt động tháng 11/2018.
Từ ngày đưa vào vận hành, công suất buồng phòng tại khách sạn của bà V. luôn ở mức trên 90% và đạt doanh thu gần 4 tỷ đồng mỗi tháng.
Để xây khách sạn, bà V. đã vay ngân hàng 110 tỷ đồng, mỗi tháng trả gốc lẫn lãi khoảng hai tỷ. "Với doanh thu gần 4 tỷ, trừ chi phí nhân viên và ngân hàng chúng tôi vẫn có lời", bà V. cho biết.
Tuy nhiên, khi hoạt động được khoảng 15 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, khách sạn 180 phòng của bà V. gặp khó khăn vì không đón được khách.
Dù ngân hàng đã khoanh nợ nhưng các khoản nợ bên ngoài và tiền gốc buộc chủ doanh nghiệp này phải rao bán khách sạn của mình để chi trả các khoản nợ cũng như tìm hướng làm ăn khác.
Dẫu vậy, nhiều tháng trôi qua, khách sạn của bà V. vẫn chưa tìm được chủ mới.
Tình trạng khách sạn bà V. là một trong những trường hợp điển hình của hàng loạt khách sạn xây mới hoạt động được khoản hai năm thì gặp dịch Covid-19 khiến chủ đầu tư phải xoay sở để trả khoản vay cho ngân hàng và khoản vay bên ngoài.
Anh H. một người chuyên môi giới trong lãnh vực khách sạn tại Nha Trang cho biết, đối với các khách sạn 3 - 5 sao hiện có hơn 40 doanh nghiệp gửi anh bán giúp.
Dù có nhiều mối quan hệ và sinh hoạt trong hệ thống các chủ, quản lý khách sạn tại Nha Trang nhưng hơn một năm qua anh H. cũng chỉ giúp "đổi chủ" được cho ba khách sạn tại trung tâm Nha Trang.
"Từ quý III/2020, giá bán khách sạn tại Nha Trang có xu hướng giảm. Tình trạng này xuất hiện ở nhóm doanh nghiệp mới đưa khách sạn vào vận hành được một thời gian ngắn thì gặp dịch. Họ chưa kịp thu hồi vốn nhưng đã gặp khó trong các khoản vay khi nguồn thu bị "cắt đứt".
Đến nay nhiều chủ khách sạn trước sức ép nợ và lãi vay đã phải giảm đến 30% giá bán so với giai đoạn đầu dịch nhưng vẫn không có khách", anh H. chia sẻ.
Anh H. dẫn chứng: "Có khách sạn hồi đầu dịch có người "gạ" mua 360 tỷ nhưng chủ quyết không bán. Giờ thì chủ đó rao bán 260 tỷ nhưng vẫn không tìm được người mua".
Nói thêm về việc có giá bán giảm sâu nhưng vẫn không tìm được người mua, anh H. phân tích, trong giai đoạn Khánh Hòa phát triển nóng về du lịch, nhiều doanh nghiệp đã mua đất xây khách sạn hoặc sang nhượng các khách sạn đang hoạt động với giá cao hơn thị trường nhiều lần nên dù có giảm giá 20 - 30% cũng chỉ về đến giá trị thực hoặc vẫn cao hơn giá trị thực. Vậy nên, tình trạng trả hoặc ép giá từ phía người mua.
"Tôi cũng đã đưa một vài doanh nghiệp nước ngoài đến Nha Trang để tìm hiểu nhưng họ vẫn chê đắt dù biết tiềm năng của Nha Trang là rất lớn. Chỉ riêng dòng khách sạn có giá dưới 100 tỷ đồng, có cơ sở vật chất tốt và vị trí đẹp thì vẫn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong thời gian vừa qua", H. cho biết.
Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, hiện trên địa bàn có gần 1.150 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 50.000 phòng, trong đó, có 125 cơ sở lưu trú quy mô 4 - 5 sao.
Tổng lượt khách lưu trú ước tính 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 457.100 lượt khách, giảm 38,5% so với cùng kỳ, đạt 9,14% so kế hoạch năm 2021. Công suất phòng bình quân trong 6 tháng chỉ ước đạt khoảng 10%.
Sở này cũng cho biết, qua thống kê đến tháng 5/2021 có khoảng 400/1.147 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch có khách du lịch lưu trú đang hoạt động cầm chừng.
Hiện Khánh Hòa và nhiều địa phương khác trên cả nước đang tiến hành giãn cách khiến hàng loạt khách sạn hoạt động cầm chừng buộc phải đóng cửa.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới BĐS Khánh Hòa cho biết, một trong những nguồn thu lớn của các tỉnh miền Trung đặc biệt là Nha Trang – Khánh Hòa đến từ kinh tế biển và du lịch.
Trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài gần hai năm, cùng với đó là việc tuân thủ những quy định về giãn cách an toàn xã hội, cũng như đóng cửa các chuyến bay quốc tế đã khiến ngành du lịch bị thiệt hại nặng.
"Hoạt động du lịch nội địa cầm chừng, phân khúc cho thuê và mua bán khách sạn không còn nhộn nhịp như trước và tình trạng khách sạn rao bán trong giai đoạn gần đây là khó tránh khỏi", ông Hoàng nhận định.
Cũng theo ông Phan Việt Hoàng, nếu buộc phải rao bán khách sạn trong thời điểm này các chủ đầu tư đều biết phải chấp nhận bất lợi về giá cả vì người mua không nhiều và họ có hàng loạt lý do khách để "down giá".
"Trước đây không ai nghĩ rằng khu phố Tây Nha Trang có thể tắt đèn trước 12 giờ đêm nhưng bây giờ thì mọi thứ đảo lộn. Ngày cũng như đêm, khu vực này chỉ có một vài hộ kinh doanh mở cửa.
Thiệt hại nặng nề nhất là nhóm khách sạn khai sinh từ giữa năm 2018. Đa số doanh nghiệp đều phải dùng đòn bẩy tài chính ngân hàng nhưng hiện nay nguồn thu không có nên việc rao bán sản phẩm tâm huyết của mình cũng là bất khả kháng để giải quyết bài toán tài chính", ông Hoàng chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, việc mua lại các khách sạn đã đi vào hoạt động là một kênh đầu tư hấp dẫn và có thể sinh lời khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn thế giới.
"Trong tương lai, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng phát triển việc xây dựng mới các công trình cao tầng và khách sạn trong khu vực nội đô tại các TP lớn nói chung và TP Nha Trang nói riêng có thể sẽ phải áp dụng nhiều quy định mới về quy chuẩn, độ cao hay mật độ xây dựng…
Vậy nên, hiện nay, việc mua bán những khách sạn có sẵn, chất lượng còn tốt, có số phòng khai thác kinh doanh nhiều, nhất là có giá hấp dẫn sẽ được quan tâm nhiều hơn. Bởi chúng ta đều biết tiềm năng du lịch của Khánh Hòa lớn như thế nào khi trong giai đoạn gần đây địa phương này đang được sự quan tâm và đầu tư của các tập đoàn hàng đầu trong nước và quốc tế", ông Phan Việt Hoàng nhận định.