Trước đây, đi xuyên Việt chủ yếu theo đường biển QL1 và đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, bạn có thể đi thêm cung đường kẹp giữa 2 đường trên để cảm nhận và khám phá những nét mới.
Tổng hành trình khoảng 2.200km. |
Xem xét đặc thù chuyến đi
Tổng cự ly khoảng 5.000km, từ Sài Gòn ra Hà Nội theo đường "Con đường bánh kẹp" nằm giữa đường Hồ Chí Minh và đường biển và về lại Sài Gòn qua Lào theo đúng con đường mòn Hồ Chí Minh.
Đi đường nhựa, đường cấp phối, đường đèo, đường rừng, qua sông suối nhiều, cắm trại ngủ dọc đường nhiều.
Chuyến đi một mình, mọi thứ phải tự lo từ A-Z: Cầm tài suốt chuyến, theo dõi cung đường liên tục, nấu ăn/hạ trại, an ninh, giao tiếp, sửa chữa xe cộ, qua biên giới, đi qua nhiều điều kiện thời tiết nhiệt độ khác nhau.
Đoạn đường nằm giữa rừng rất rộng lớn. |
Tham khảo Tracklog: https://goo.gl/6oZqRW
Một số vật dụng cần thiết bao gồm: Đồ nấu ăn: Bếp cồn nhỏ, ca nhôm, muỗng đũa, miếng chắn gió... Đồ y tế và sinh tồn cơ bản: Một số vật dụng tự sơ cứu, sát trùng, Berocca, thuốc nhỏ mắt, túi chống nước backup để đựng đồ, la bàn, đồng hồ đo nhiệt độ, độ cao... Đồ ăn vặt, nước uống: Bánh mì, xúc xích, thịt hộp, ngũ cốc, sữa, trà, cafe phin giấy tiện lợi... Đồ đi xe: Bó gối, áo giáp hai lớp có kèm áo ấm, găng tay da để đi trời lạnh và găng tay cào cào để offroad trong rừng... Đồ vệ sinh cá nhân: Bàn chải, kem đánh răng, sữa rửa mặt, xà bông tắm gội... Đồ điện tử: Laptop, đèn Ledlites, máy quay ... Đồ cắm trại: Ghế ngồi, túi ngủ, tấm trải... Trang phục: Áo khoác mỏng để offroad, ... Xe và một số vật dụng khác: Kiểm tra xe cẩn thận từng chi tiết nhỏ như đèn, còi, xi nhan, máy móc, thay nhớt và dầu mỡ, thắng trước sau, thay lốp... |
Đặc trưng cung đường xuyên việt theo "Trung du đạo" hoặc còn gọi là "Con đường bánh kẹp"
Con đường đi xuyên Việt thường mọi người được check-in nhiều nhất là đường biển hoặc đường Hồ Chí Minh nên các tỉnh các huyện ở vùng trung du tiếp giáp giữa vùng núi và vùng biển hay bị bỏ sót. Thậm chí có nhiều tên huyện, tên xã chưa bao giờ nghe nói đến, hoặc các điểm đến hay nhưng không được nhắc đến trong bản đồ hành trình.
Tuy nhiên, nếu đi thêm cung đường này thì bạn sẽ khám phá được thêm rất nhiều địa danh, vùng đất, các bản làng người đồng bào thiểu số và các con đường nằm giữa Hà Nội và Sài Gòn.
Cung đường này bạn hoàn toàn có thể đi xe đạp, xe máy hoặc ô tô đều có thể chiêm ngưỡng được cảnh đẹp và tương đối lạ lẫm, tạm gọi là con đường xuyên việt thứ ba sau đường QL1 ven biển và đường Hồ Chí Minh.
Đoạn từ Auynpa đi K'bang đường với cảnh sắc hai bên đường rợp bóng cây. |
Thực hiện hành trình
Từ Sài Gòn, bạn đi theo QL20 qua Đồng Nai lên Đà Lạt, Lâm Đồng rồi qua đèo Chuối, đèo Bảo Lộc, rồi Prenn hoặc Mimosa.
Sau đó, đi tiếp để đổ đèo Omega về Khánh Hòa nhưng không vòng ra QL1 mà tới thị trấn Khánh Vĩnh là rẽ trái theo DT8. Lưu ý cầu trên DT8B đang bị hỏng nên bạn sẽ không qua được, nên phải đi xuống tới Diên Khánh rồi mới rẽ trái để đi Dục Mỹ.
Trong suốt hành trình, sẽ có những đoạn đường bị sạt lở. |
Đi ngược QL26 leo đèo Phượng Hoàng lên tới huyện Mdrak, tỉnh Đắk Lắk, rẽ phải theo QL19C. Lưu ý đoạn đường này tương đối xấu, tiếp tục đi qua địa phận Phú Yên tới Sông Hinh, đi thẳng gặp QL25 rẽ trái qua đèo Tô Na lên Ayunpa là địa phận Gia Lai.
Hay cả những con đường đèo cát khó đi. |
Tiếp tục rẽ phải ở Ayunpa vào đoạn đẹp nhất của Trường Sơn Đông, một trong những đoạn đường đẹp và được dân du lịch yêu thích nhất ở Việt Nam, đi thẳng theo đường này đến tận K'bang. Tại đây, bạn có thể dừng chân nghỉ ngơi để vào thăm khu di tích của anh hùng Núp và Tây Sơn Thượng Đạo. Từ K'bang, bạn lưu ý nhớ đổ đầy bình xăng rồi bắt đầu đi tiếp gặp ngã ba rẽ phải băng rừng Kon Chư Răng, đây là đoạn rất ma mị và hấp dẫn.
Và cả những ngày có sương mù dày đặc trong vườn quốc gia Kon Chư Răng. |
Sau khi đã qua khỏi rừng là bạn sẽ đặt chân đến địa phận Kon Tum, rẽ phải QL24 để đi thẳng về Ngok Tem, tuy nhiên đoạn đường này đang sữa chữa nên bạn sẽ không đi thẳng được mà phải đổ đèo Violac xuống địa phận Quảng Ngãi rồi đi thẳng để về thị trấn Di Lăng. Tại đây, bạn có thể dừng chân để ghé thăm núi Thạch Bích Tà Dương.
Nhưng bạn cũng sẽ thấy hình ảnh đèo Violac mờ ảo trong sương tuyệt đẹp như một bức tranh. |
Lúc này, bạn sẽ bắt đầu đoạn đường cong cong lượn lượn liên tục Di Lăng - Sông Tang nhưng cảnh ở đây rất đẹp và được xem là điểm mới nhất trong hành trình. Đó chính là đoạn đường DT626 ít người đi với cảnh tượng đặc trưng rất giống đường từ Y Tý qua Bát Xát về Lào Cai.
Đoạn đường DT626 ít người đi với cảnh tượng đặc trưng rất giống đường từ Y Tý qua Bát Xát về Lào Cai. |
Tiếp tục đi thẳng không qua DT622 mà rẽ trái để về Tây Trà hùng vĩ và đi tiếp lên Bắc Trà My, đây chính là địa phận Quảng Nam. Ngay khi đặt chân đến đây, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp vì vùng núi của Quảng Nam và Quảng Ngãi rất hùng vĩ nhưng vẫn pha chút gì đó nên thơ.
Khúc sông cua tay áo sẽ chẳng còn là vấn đề. |
Vì hình ảnh những ngôi nhà thấp thoáng xen lẫn trong núi rừng bỗng trở nên đẹp đến lạ. |
Tới Bắc Trà My, bạn rẽ phải để về Tiên Phước, có thể ghé thăm làng cổ Lộc Yên, đây cũng là địa danh du lịch nổi tiếng với nhiều điều khám phá hấp dẫn. Bạn đi tiếp DT614 lên Việt An. Đoạn này có đặc điểm đường khá giống với Ubud, Bali với những ruộng bậc thang đẹp mắt, cây cau, dừa đồi thấp thấp và sông suối uốn lượn. Đến đây, bạn đi vào DT611 và cứ thế đi dọc sông Thu Bồn và có thể ghé thăm thánh địa Mỹ Sơn nổi tiếng.
Rồi hình ảnh từ đoạn Tây Trà lên Bắc Trà My với cảnh non nước hữu tình. |
Nụ cười cùa những em bé... |
Đến địa điểm này sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài con đường QL1 và đường HCM nên bạn có thể rẽ trái để đi theo QL14B đi Thạnh Mỹ và rẽ phải lên Prao. Bắt đầu từ Thạnh Mỹ ra tận huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị sẽ là đường đèo dốc rất dài. Lưu ý, đối với những bạn chưa từng đi đường này sẽ khá mệt, nên bạn có thể chia nhỏ quãng đường để nghỉ ngơi, không nên đi một mạch dài để tránh mất sức.
Sẽ khiến bạn thấy vài chỗ sạt nhẹ như thế này cũng chẳng "nhằm nhò" |
Đi tiếp 100km qua hai hầm chui A Rooang lên huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và qua đèo Pê Ke đi 100km lên huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, qua cầu treo rồi rẽ phải đi về Cam Lộ, rẽ trái QL15 là đường mòn Hồ Chí Minh nhánh đông để đi qua nghĩa trang Trường Sơn về Đồng Hới, Quảng Bình.
Sông núi mộng mị và hữu tình. |
Theo tiếp DT2B về Ba Đồn và bắt đầu rẽ vào QL12A đi mạn Nam rừng Kẻ Gỗ nhập lại đường mòn Hồ Chí Minh ở Hà Tĩnh rồi rẽ phải vào hướng ngã ba Đồng Lộc, đi tiếp QL15 qua Tân Kỳ chỗ mốc 0 đường Hồ Chí Minh rồi qua Thái Hòa, hoặc len lỏi trong các con đường nhỏ nằm giữa đường HCM và đường QL1A qua Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam về Hà Nội.
Đừng quên check-in ở cột mốc số 0. |
Kết thúc con đường bánh kẹp nằm giữa đường HCM và QL1.
Một số lưu ý chung cho cung đường này: 1. Đèo dốc nhiều, gần như suốt hành trình ra tận Nghệ An mới giảm mật độ. 2. Vào mùa mưa thì vài đoạn sạt lở khá nặng, đường cũng rất vắng nhất là khúc đường Hồ Chí Minh, miền núi xứ Quảng. 3. Có những đoạn đường, bạn sẽ thấy rất nhiều gia súc gia cầm chạy rông trên đường, nên bạn sẽ phải đặc biệt quan sát và giảm tốc độ. 4. Mưa gió và sương mù khá nhiều, nhiệt độ khá thấp vào ban đêm, nhất là vùng A Lưới, đường Hồ Chí Minh, ban ngày vẫn có thể xuống 17- 18 độ kèm mưa dông. 5. Với cung đường xuyên Việt này bạn nên đi tầm 2 tuần, mỗi ngày đi 150km để thoải mái và có nhiều thời gian để ghé thăm thiên nhiên đến di tích văn hóa của mỗi nơi. |
Nhật ký hành trình: Trần Đặng Đăng Khoa