Khánh Hòa chưa thống nhất về phương án đầu tư di dời ga Nha Trang để xây cao ốc

UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng đề xuất của Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung chỉ là phương án đề xuất ban đầu nên sẽ có ý kiến chính thức về lựa chọn phương án đầu tư sau khi Bộ GTVT xem xét hồ sơ đề xuất thực hiện dự án và có đề nghị làm việc với tỉnh.

Lưu ý phương án bố trí tái định cư tại chỗ

Mới đây, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung (Công ty Tuấn Dung), đơn vị đề xuất cải tạo, di dời ga Nha Trang xây cao ốc và các sở ngành liên quan.

Khánh Hòa chưa thống nhất về phương án đầu tư di dời ga Nha Trang để xây cao ốc - Ảnh 1.

Ga Nha Trang được khánh thành ngày 2/9/1936. Cho đến ngày nay, ga Nha Trang vẫn còn giữ được kiến trúc độc đáo thời Pháp. (Ảnh: Khải An).

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, đề xuất của Công ty Tuấn Dung mới chỉ là phương án đề xuất ban đầu, chưa phải là hồ sơ thực hiện dự án chính thức theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Do đó, Công ty Tuấn Dung cùng các đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến góp ý, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất thực hiện dự án bảo đảm tính khả thi, trình Bộ GTVT xem xét theo qui định.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Công ty Tuấn Dung lưu ý đến phương án bố trí tái định cư tại chỗ cho các đối tượng bị ảnh hưởng, việc sử dụng qui đất tại khu vực Ga Nha Trang hiện hữu để hoàn vốn dự án đầu tư khác.

UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, công trình kiến trúc Ga Nha Trang thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh nên phải được giữ nguyên trạng để tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan gắn kết với Công viên Võ Văn Ký phục vụ công cộng.

Khánh Hòa chưa thống nhất về phương án đầu tư di dời ga Nha Trang để xây cao ốc - Ảnh 2.

UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Công ty Tuấn Dung lưu ý đến phương án bố trí tái định cư tại chỗ cho các đối tượng bị ảnh hưởng. (Ảnh: Khải An).

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa để có thông tin đầy đủ báo cáo, xin chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như làm việc với Bộ GTVT về vấn đề trên, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập hợp hồ sơ, tài liệu liên quan đến chủ trương di dời Ga Nha Trang qua các thời .

Đồng thời, rà soát qui hoạch giao thông, đề xuất phương án kết nối giao thông; rà soát qui hoạch sử dụng đất, qui hoạch xây dựng, tham mưu tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, giải pháp hạ tầng kỹ thuật đô thị; thống kê sơ bộ số lượng hộ dân, nhân khẩu, hiện trạng công trình xây dựng.

UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sẽ có ý kiến chính thức về lựa chọn phương án đầu tư sau khi Bộ GTVT xem xét hồ sơ đề xuất thực hiện dự án và có đề nghị làm việc với tỉnh Khánh Hòa.

Dời ga có giải quyết được ách tắc giao thông?

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Khánh Hòa về phương án cải tạo di dời ga Nha Trang của Công ty Tuấn Dung hồi đầu năm 2020, Sở GTVT Khánh Hòa cho rằng phương án qui hoạch sử dụng đất khu vực ga Nha Trang với diện tích hơn 36.400 m2 để xây chung cư 30 tầng và khu phức hợp 35 tầng sau khi cải tạo ga Nha Trang, chưa được thể hiện trong qui hoạch chung của thành phố.

Khánh Hòa chưa thống nhất về phương án đầu tư di dời ga Nha Trang để xây cao ốc - Ảnh 3.

Ga Nha Trang là di tích lịch sử văn hóa cấm. (Ảnh: Khải An).

Theo hồ sơ thiết kế của doanh nghiệp lập, nếu di dời ga Nha Trang đến vị trí mới sẽ rút ngắn được 5 km đường sắt đi qua khu vực đông dân cư giao thông đông đúc.

Đồng thời, bỏ được 4 đường ngang và 8 lối đi tự mở qua đường sắt; rút ngắn thời gian chạy tàu.

Tuy nhiên, phương án thực hiện sẽ đi qua Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, ảnh hưởng trực tiếp đến nút giao thông Ngọc Hội hiện đang xây dựng và phải xây dựng một cầu đường sắt qua sông Quán Trường.

Ngoài ra, Sở GTVT nhận định thời gian qua với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, lượng khách đến Nha Trang ngày càng tăng cao. Từ đây kéo theo sự phát triển đột biến của phương tiện giao thông, đặc biệt là xe chở khách trên 30 chỗ ngồi.

Khánh Hòa chưa thống nhất về phương án đầu tư di dời ga Nha Trang để xây cao ốc - Ảnh 4.

Việc đường sắt đi qua TP thường xuyên gây kẹt xe, nhưng những năm qua các khu cao tầng tăng nhanh trong TP đã khiến giao thông thường xuyên ùn ứ, ách tắc. (Ảnh: Khải An).

Về hạ tầng du lịch, các dự án khách sạn, căn hộ du lịch, chung cư cao tầng được xây dựng nhiều chủ yếu trong trung tâm thành phố, hình thành đô thị nén gây áp lực lên hạ tầng giao thông.

Trong khi đó, hạ tầng của thành phố chưa được xây dựng đồng bộ hoặc không thể mở rộng, gây nên tình trạng quá tải. Từ những nguyên nhân này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm hàng ngày.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.