Khánh Hòa: Hàng loạt khách sạn không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động

UBND tỉnh Khánh Hòa đã công khai tên hàng loạt khách sạn và khu du lịch chưa đảm bảo điều kiện lưu trú nhưng vẫn hoạt động để người dân và du khách nắm rõ.

Trong 22 cơ sở lưu trú nằm trong "danh sách đen" mà UBND tỉnh Khánh Hòa công bố có 21 khách sạn ở TP Nha Trang và 1 khu du lịch tại thị xã Ninh Hoà. Các cơ sở này không đảm bảo điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch theo Luật du lịch năm 2017.

Khánh Hòa: Hàng loạt khách sạn không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động - Ảnh 1.

Khách sạn Euro Star nhiều lần nằm trong danh sách đen. (Ảnh: Khải An)

Một số khách sạn đã có vi phạm trong thời gian trước như khách sạn Euro Star (tên cũ là Euro Nha Trang) cao 19 tầng nằm ở đường Trần Phú; khách sạn Dubai (đường hẻm Tôn Đản, tên cũ là Thăng Long Golden 2) cao 14 tầng. Hai khách sạn này dù bị phạt vì chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng nhiều năm qua vẫn được đón khách.

Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, hàng năm Sở đều tổ chức đoàn kiểm tra các điều kiện của các cơ sở lưu trú. Các cơ sở kể trên không đảm bảo một hoặc các điều kiện, như về phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, về môi trường, an toàn thực phẩm…

Các cơ sở lưu trú nào không đảm bảo điều kiện, Sở lập danh sách báo cáo cho UBND tỉnh Khánh Hòa và các đơn vị chức năng để xử lý. Bên cạnh đó, Sở cũng hướng dẫn cho các khách sạn thực hiện đúng các quy định pháp luật.

"Đối với các trường hợp chây ì không chịu khắc phục, Sở đã thông báo cho các doanh nghiệp lữ hành biết để không đưa khách đến các cơ sở không đảm bảo điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch. Điều khó khăn hiện nay là các khách sạn thay chủ đổi, đổi tên và các đơn vị lữ hành đưa khách đến liên tục thay đổi nên các cơ sở này vẫn hoạt động, chủ yếu là đón khách quốc tế", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - PGĐ Sở Du lịch cho biết.

Khánh Hòa: Hàng loạt khách sạn không đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc Bộ Công an Việt Nam kiểm tra các khách sạn, nhà cao tầng tại Nha Trang. (Ảnh: Khải An)

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, đơn vị đã thực hiện việc rà soát theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc công khai danh sách khách sạn bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ kinh doanh trên trang thông tin điện tử của ngành. Thông báo cho các đơn vị lữ hành không đưa khách đến những cơ sở này.

Liên quan đến vấn đề trên, đại diện Phòng cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo quy định mỗi năm phải kiểm tra PCCC ở các khách sạn 4 lần. Tuy nhiên, hiện nay vướng nhiều quy định khác nên mỗi năm đơn vị kiểm tra ít nhất 1 lần.

Các khách sạn vi phạm chủ yếu "cắt xén" cầu thang bộ để giảm chi phí, tăng diện tích phòng nghỉ; không làm tạo áp cho cầu thang bộ, không có hệ thống hút khí tại các hành lang, không có thang thoát hiểm…

Phòng cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho biết đối với các khách sạn chây ì, nhiều lần vi phạm PCCC, đơn vị này sẽ kiểm tra có văn bản đình chỉ hoạt động. Các khách sạn không đảm bảo PCCC và xử phạt nặng ở 2 lỗi chính, gồm: 23 triệu đồng vì thi công công trình không đúng thiết kế được thẩm duyệt và 80 triệu đồng vì đưa công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.