Khảo sát vị trí xây dựng sân bay Cao Bằng quy mô 200 ha, mức đầu tư 120 triệu USD

Các vị trí dự kiến xây dựng sân bay tại xã Bạch Đằng (Hòa An) và phường Đề Thám (Thành phố). Ngoài ra có thêm 2 phương án vị trí dự kiến xây dựng sân bay tại xã Bình Dương (Hòa An) và Canh Tân (Thạch An).

Đoàn công tác của tỉnh Cao Bằng do Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh làm trưởng đoàn vừa khảo sát thực địa vị trí quy hoạch sân bay tỉnh Cao Bằng.

Trong tờ trình về việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngoài 28 sân bay có trong quy hoạch hiện nay, đến năm 2050 chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoạch.

Theo đó, vị trí sân bay được xác định cách thành phố 13 km về phía Đông Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Vì vậy, đoàn khảo sát các vị trí dự kiến xây dựng sân bay tại xã Bạch Đằng (Hòa An) và phường Đề Thám (Thành phố); nghe Sở GTVT trình bày thêm 2 phương án vị trí dự kiến xây dựng sân bay tại xã Bình Dương (Hòa An) và Canh Tân (Thạch An).

Theo đó, Sở GTVT đưa ra 4 phương án dự kiến xây dựng sân bay. 

Phương án 1, vị trí dự kiến xây dựng sân bay Cao Bằng là thung lũng dọc sông Hiến, địa hình không quá phức tạp. Diện tích đất bị ảnh hưởng chủ yếu là đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, vị trí sân bay cách khá xa các khu vực rừng phòng hộ, xa các khu dân cư.

Theo phương án 2, vị trí sân bay dự kiến cách trụ sở xã Canh Tân (Thạch An) khoảng 500 m, nằm về phía bờ phải dòng sông Hiến. Diện tích đất bị ảnh hưởng chủ yếu là đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, vị trí sân bay gần trục đường ĐT.209 và gần khu dân cư xã Canh Tân.

Vị trí này cách thành phố khoảng 16 km, có trục đường kết nối là đường tỉnh 209; tuy nhiên có nhược điểm là đường cất cánh, hạ cánh gần nhiều đồi núi xung quanh, gần khu dân cư nên bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, kinh phí san gạt lớn.

Phương án 3, vị trí sân bay dự kiến nằm trên đường vào xã Bình Dương (Hòa An) khoảng 1.000 m bắt đầu từ Quốc lộ 34. 

Địa hình thung lũng khá phức tạp, độ cao thay đổi từ +222 m đến +348 m, diện tích đất bị ảnh hưởng chủ yếu là đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, vị trí sân bay gần trục Quốc lộ 34 và gần khu dân cư xóm Bản Tấn, xã Hưng Đạo (Thành phố). 

Khảo sát vị trí xây dựng sân bay Cao Bằng quy mô 200 ha, mức đầu tư 120 triệu USD - Ảnh 1.

Hiện nay cả nước đang có 22 sân bay đang khai thác. (Ảnh: Thanh niên).

Phương án 3 có ưu điểm cách thành phố khoảng 13 km, có trục đường kết nối là quốc lộ 34, điều kiện bay khá tốt, đất đồi núi là chủ yếu. Tuy nhiên có nhược điểm là gần khu dân cư nên bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, kinh phí san gạt khá lớn.

Phương án 4, vị trí sân bay dự kiến nằm tiếp giáp với Nhà máy thuốc lá Cao Bằng, gần khu tái định cư KCN Đề Thám (cũ), cách đường 58 m khoảng 1,2 km. 

Vị trí sân bay gần trục đường 58 m và gần khu tái định cư khu công nghiệp Đề Thám (cũ), gần nhiều khu đô thị tương lai của thành phố. 

Phương án 4 có ưu điểm là địa hình bằng phẳng, rộng thoáng, có trục đường kết nối là quốc lộ 34, điều kiện bay khá tốt, đất đồi núi là chủ yếu, kinh phí san gạt ít. Tuy nhiên có nhược điểm là gần khu dân cư và gần đô thị, chi phí đền bù tương đối lớn.

Quy mô diện tích dự kiến của sân bay Cao Bằng là 200 ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 100 - 120 triệu USD. Dự báo nhu cầu vận tải năm 2050 là 2,1 triệu hành khách/năm. 

Hiện nay cả nước có 22 sân bay đang khai thác gồm 9 sân bay quốc tế, 13 sân bay nội địa.

Theo tờ trình về việc thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Cục Hàng không Việt Nam gửi Bộ GTVT và Hội đồng Thẩm định quy hoạch hồi tháng 5, đến năm 2030 cả nước có 28 sân bay.

Cụ thể, 14 sân bay quốc tế là Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc; 14 sân bay nội địa là Lai Châu (chưa xây dựng), Điện Biên, Sa Pa (chưa xây dựng), Nà Sản (tạm dừng khai thác), Đồng Hới, Quảng Trị (chưa xây dựng), Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết (đang triển khai xây dựng), Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo.

Giai đoạn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng (sân bay nội địa) vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay của cả nước lên 29.

Trong quy hoạch lần này, hàng loạt địa phương như Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh đều đề xuất quy hoạch sân bay, nhưng đều không được chấp thuận.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.