Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) - luôn trong tình trạng quá tải, ngay tại sảnh khoa luôn chật kín những giường bệnh, người bệnh nặng sẽ được ưu tiên cấp cứu trước.
Càng về gần chiều, tiếng xe cấp cứu ngày càng dồn dập và dày dặn hơn. Xe này chưa kịp chuyển bệnh nhân xuống, xe sau đã tiến sát cửa.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào khu vực cấp cứu.
Bác sĩ kiểm tra sơ bộ các vết thương, đo huyết áp và nắm bắt tình hình bệnh nhân thông qua người đi cùng.
Bắt đầu ca trực, bác sĩ Nguyễn Xuân Hòa (Khoa phẫu thuật Tiêu hóa - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) đi các buồng bệnh để nắm được tình hình bệnh nhân - đây là khu vực hồi sức sau khi bệnh nhân đã được cấp cứu. Mỗi ca trực của các bác sĩ kéo dài 24 tiếng. c
Trung bình 24 giờ trực, khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Đức - tiếp nhận từ 140 đến 160 trường hợp, trong đó có 50% tai nạn giao thông, 40% vụ tai nạn giao thông đó liên quan đến rượu bia.
Bác sĩ Hòa cho biết hầu hết nạn nhân đều đội mũ bảo hiểm nên tỷ lệ thương tật có giảm đi.
Mức độ chấn thương của các bệnh nhân sử dụng rượu bia thường nặng hơn các ca khác, chủ yếu là đa chấn thương, chấn thương sọ não, chấn thương ngực, vỡ gan, lách…
Bác sĩ Hòa nhớ lại một ca cấp cứu khiến anh còn ám ảnh đến tận bây giờ, vào đêm trực khuya khi cách đây vài năm, chiếc xe cứu thương chở một cậu thanh niên bị tai nạn giao thông, người bê bết máu, trong lúc di chuyển từ xe vào khu vực cấp cứu thì não rơi xuống đất do chưa được sơ cứu chính xác từ trước.
Ngồi bên ngoài cửa để luôn đảm bảo thông thoáng, người bảo vệ đã đứng trực hơn mười năm nay cho biết: “Thường vào buổi chiều tối lượng cấp cứu đông hơn, nhiều lúc tôi cũng kiêm luôn cả nhiệm vụ vận chuyển người bệnh vào trong vì quá tải”.
Chuyến xe cứu thương từ Nam Định đưa đến một cậu thanh niên mới ngoài 20 tuổi. Người ta phải cắt một bên ống quần để cố định chân cho cậu. Khi bác sĩ hỏi bệnh nhân có đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông không, người bố ngập ngừng: “Có đội nhưng lúc va chạm mũ bay ra ngoài mất rồi”.
Người phụ nữ bần thần đứng cạnh giường bệnh, đến giờ chị vẫn chưa hết bàng hoàng khi chính mình là người gây ra tai nạn. Chị bảo từ lúc ấy người như mất hồn nhưng vẫn chạy theo xe cấp cứu để đưa người bệnh vào viện. “Người ta như thế mình phải có trách nhiệm đến cùng, không phải đưa tiền bồi thường là được”.
Anh Tài (Hải Dương) vừa ôm đầu vừa kể: “Hôm ấy tôi đi xe đạp đón con, đang đi bỗng bị xe máy đằng sau đâm mạnh vào. Tôi ngất đi ngay lúc ấy, một ngày sau mới tỉnh lại. Cũng đã một tuần trôi qua, tôi đã tỉnh táo hơn nhưng đầu lúc nào cũng đau như có búa bổ, không chịu được đành phải chuyển lên đây”.
“Tôi chỉ mong sớm khỏi để lại được đưa con đi học, cháu thích được bố đón lắm”.
Đôi mắt đờ đẫn của người phụ nữ sống cuộc đời thực vật đã hơn một tháng nay. Từ buổi chiều định mệnh ấy, chị bị ôtô đâm phải và bỏ chạy, gia đình chạy chữa ở bệnh viện Hà Tĩnh nhưng không có tiến triển.
Để lại hai đứa con thơ ở nhà cho bà chăm sóc, người chồng lặn lội mấy trăm cây số để đưa chị đến Hà Nội với hi vọng mong manh.
Đối với nhiều ca bệnh, nhiều lúc cả người nhà và bác sĩ dường như chỉ tin vào một phép màu.
Một người nhập viện kéo theo cả chục người nhà đi theo vì thế bệnh viện càng trở nên đông đúc. Người nhà mệt mỏi vì thức trắng đêm, mang theo chăn chiếu, chậu, phích…để chờ một cuộc chiến dai dẳng.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Ông Khuất Việt Hùng đưa ra con số thống kê có tới 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. “Các nghiên cứu gần đây cho thấy uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ…dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông”, ông chia sẻ. Tại Nghị định 46, hành vi vi phạm uống rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt hành chính lên tới 18 triệu đồng. Đặc biệt, Luật Hình sự quy định mức độ vi phạm có nguy cơ làm chết người, tổn thương sức khỏe người khác thì đưa ra chế tài xử lý hình sự. |