Khởi công một số sân bay mới, chuẩn bị để sớm trình Bộ Chính trị về đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Đó là một số yêu cầu mà Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đặt ra cho Bộ GTVT tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của bộ này.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa tin, ngày 25/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới các điểm cầu tại 63  tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đã giải ngân gần hết 43.000 tỷ đồng năm 2021

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, bộ này đã tổ chức công bố 4/5 quy hoạch về đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Riêng quy hoạch ngành hàng không, Bộ GTVT đã hoàn thiện theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2021.

Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành thủ tục và khởi công 18 dự án, hoàn thành đưa vào khai thác 14 dự án, điển hình như dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khởi công dự án tuyến tránh Quốc lộ 91 qua Long Xuyên, dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc…

Năm 2021, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn, lên tới hơn 43.000 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 96%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như công tác giải phóng mặt bằng chưa được xử lý dứt điểm; còn thiếu nguồn cung ứng vật liệu tại một số dự án; tiến độ triển khai thi công một số dự án còn chậm so với kế hoạch yêu cầu; công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là kết cấu hạ tầng đường bộ đôi lúc còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ.

Phải khởi công được 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trong năm tới

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá, năm 2021, Bộ GTVT đã hoàn thành toàn bộ 5 quy hoạch ngành quốc gia được giao chủ trì. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, làm tiền đề để thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. 

“Có quy hoạch thì mới thu hút được đầu tư, mới tạo ra dư địa để phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Khởi công một số sân bay mới, chuẩn bị để trình Bộ Chính trị về đường sắt cao tốc Bắc - Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP/Đức Tuân).

Trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ GTVT đã hoàn thành 2 nhiệm vụ rất quan trọng, gồm: Đề án thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu hoàn thành đến năm 2025 hoàn thành 3.000 km và năm 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc, làm cơ sở cho công tác chuẩn bị nguồn lực có thể thực hiện sớm; Xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội thông qua Đề án đầu tư xây dựng đường cao tốc phía Đông giai đoạn 2021-2025 với 12 dự án thành phần (chiều dài 729 km) và đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua theo phương án sử dụng 100% vốn đầu tư công.

Trong năm 2021, ngành GTVT đã triển khai 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1. Nhiệm vụ giải phóng mặt bằng 5.000 ha đã đạt 99,97%. Tiến độ thi công cơ bản bám sát kế hoạch, đảm bảo hiệu quả giải ngân vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng.

Trước tình huống thiếu trầm trọng vật liệu xây dựng các tuyến cao tốc, Bộ GTVT đã tích cực tham mưu Chính phủ ban hành 2 nghị quyết chỉ trong 3 tháng (Nghị quyết 60 và Nghị quyết 133)  để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu thi công cao tốc Bắc - Nam (tới hơn 60 triệu m3). 

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GTVT còn có những tồn tại hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục như tồn tại trong lĩnh vực đầu tư, quản lý phương tiện, về phân cấp, phân quyền…

Thống nhất với các giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh: “Bộ GTVT phải coi phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2022”.

Phó Thủ tướng nêu rõ trong năm 2022, cần tập trung cao cho việc thực hiện thủ tục đầu tư dự án cao tốc phía Đông giai đoạn 2, yêu cầu rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án giai đoạn 1. 

Bộ GTVT phải xây dựng được “đường găng” tiến độ rõ ràng, bảo đảm cuối năm 2022, 12 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 phải được khởi công để có thể khánh thành, đưa vào khai thác năm 2024 - 2025. Nếu không có đổi mới, quyết tâm lớn thì sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ này dù có đủ nguồn vốn, nên cần có giải pháp cụ thể.

Khởi công một số sân bay mới, sớm trình Bộ Chính trị về đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Bên cạnh hạ tầng đường bộ, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tập trung cho các dự án đầu tư trọng điểm lĩnh vực hàng không như: Dự án sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Nội Bài; khởi công một số cảng hàng không mới theo quy hoạch…

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc ưu tiên nguồn lực để hiện đại hoá ngành đường sắt, đường thuỷ. 

Bộ GTVT cần phối hợp chuẩn bị chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, bảo đảm sớm trình Bộ Chính trị cho ý kiến và trình Quốc hội về chủ trương đầu tư một số tuyến ưu tiên theo quy định của pháp luật. 

Nghiên cứu đề xuất đầu tư một số tuyến đường sắt nhằm tăng cường kết nối các trung tâm kinh tế lớn, khu vực động lực phát triển, cửa khẩu và cửa ngõ giao thông quan trọng... Đối với cảng biển, sớm đầu tư xây dựng một số cảng trọng điểm theo quy hoạch, trong đó có cảng Trần Đề (Sóc Trăng).

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.