Khốn đốn vì vay tiền ‘tín dụng đen’

Nhận thấy việc vay tiền dễ dàng vì chỉ cần CMND và sổ hộ khẩu, nhiều người dân đã vay tiền của “tín dụng đen”. Tuy nhiên, đến khi chậm trễ trả tiền nhóm “tín dụng đen” đến tận nhà hù họa, siết tài sản.
 
nguoi dan khon don vi vay tien tin dung den
Những tờ rơi với nội dung cho vay trả góp được nhiều nhóm "tín dụng đen" dán khắp nơi.

Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông vô cùng hoang mang, lo lắng khi liên tiếp mắc bẫy của “tín dụng đen”.

Bà H’Riăng Niê (SN 1964, trú tại buôn Knul, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vào khoảng tháng 9/2018, con rể của bà là Y Thăng Ksơr (SN 1994) nhặt được tờ rơi với nội dung: “Cho vay trả góp, thủ tục nhanh”.

Cũng trong thời gian này gia đình bà cần tiền trả nợ phân bón nên đã liên hệ vào số điện thoại trên tờ rơi. Đến ngày 20/9, có 2 thanh niên chạy xe máy xuống tận nhà bà để làm thủ tục cho vay 30 triệu đồng.

Theo bà H’Riăng, trong quá trình làm hồ sơ thì 2 người này chỉ yêu cầu con rể của bà đưa cà vẹt xe máy và chứng minh nhân dân. Tuy nhiên, với số tiền này, 2 người kia yêu cầu gia đình bà phải trả góp 750.000 đồng/ngày, trả trong vòng 50 ngày. Tổng cộng số tiền gia đình bà H’Riăng phải trả trong 50 ngày là 37,5 triệu đồng.

“Khi giao tiền, họ chỉ đưa cho gia đình tôi 27 triệu đồng và giữ lại 3 triệu đồng tiền cho 5 ngày góp đầu tiên”, bà H’Riăng nói.

Theo như tính toán của chúng tôi, với số tiền trên mỗi ngày bà H’Riăng phải chịu lãi suất 0.78 % mỗi ngày. Vậy trong vòng 30 ngày bà H’Riăng phải trả 23,4%; còn trong vòng 50 ngày, bà H’Riăng phải trả lãi suất là 39% cho số tiền 27 triệu đồng.

Tuy nhiên, hiện nay lãi suất các ngân hàng cho vay chỉ giao động khoảng 10%/năm, khoảng 0,83% mỗi tháng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, gia đình bà H’Bét Knul (SN 1974, trú buôn Knul, xã Ea Bông) cũng gọi điện theo số trên tờ rơi và được làm thủ tục vay tiền.

Cụ thể, vào ngày 24/9, cũng có 2 người thanh niên lạ đến tận nhà bà H’Bét làm thủ tục cho gia đình vay 30 triệu đồng, trả góp trong vòng 50 ngày, mỗi ngày 750.000 đồng.

Khi được hỏi về việc sao không đến ngân hàng vay thì bà H’Bét cho hay, thời gian làm thủ tục vay ở các ngân hàng lâu và buộc phải thế chấp tài sản mới được vay. Trong khi đó, thông qua tờ rơi trả góp, chỉ sau 30 phút gọi điện thì những người cho vay lập tức xuống tận nhà làm thủ tục cho vay tiền mà không yêu cầu phải thế chấp bất kỳ tài tài sản gì ngoài chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu.

Có thể chính vì lí do này mà nhiều người dân sa vào “bẫy” của tín dụng đen.

Tuy nhiên, bà H’Bét cho hay, nhiều hôm gia đình bà không đủ tiền trả thì nhóm người trên thì bị uy hiếp, dọa dẫm đánh đập…nên khiến nhiều người trong gia đình lo lắng, hoảng sợ.

nguoi dan khon don vi vay tien tin dung den
Nhóm cho vay nặng lãi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Trước tình hình trên, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác định các nhóm tín dụng đen.

Cụ thể, vào đầu tháng 10/2018, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an TP.Buôn Ma Thuột đã phát hiện và bắt giữ một nhóm người từ TP.Hải Phòng vào Đắk Lắk hoạt động tín dụng đen.

Nhóm người này do Bùi Văn Thịnh (26 tuổi) cầm đầu cùng các đồng bọn là: Phạm Đình Bảo (17 tuổi), Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi), Nguyễn Văn Năm (25 tuổi), Hoàng Văn Cương (27 tuổi), Nguyễn Đức Khương (25 tuổi), Lê Trung Hiếu (30 tuổi), Bùi Văn Tình (27 tuổi), Vũ Văn Mạnh (26 tuổi, cùng trú TP.Hải Phòng) và Nguyễn Thị Ngọc Tiền (25 tuổi, trú tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk).

Tại cơ quan điều tra, nhóm người này khai nhận, cách đây khoảng 2 năm, Thịnh vào TP.Buôn Ma Thuột thuê một phòng trọ để cho vay nặng lãi rồi gọi đồng bọn vào cùng.

Nhóm người trên sử dụng thủ đoạn in tờ rơi rồi phát cho người đi đường và dán khắp nơi với nội dung chỉ cần chứng minh hoặc sổ hộ khẩu có thể vay được tiền.

Bằng thủ đoạn này, nhóm người trên đã thu hút được rất nhiều người dân có nhu cầu vay vốn. Nếu đến thời gian trả nợ, người dân không chi trả xong thì nhóm người sẽ đến tận nhà và xiết tài sản.

nguoi dan khon don vi vay tien tin dung den
Nhóm của Hưởng tại cơ quan điều tra.

Vừa qua, tại Đắk Nông Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã Gia Nghĩa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với 3 bị can Vũ Anh Hưởng (SN 1988, trú Tri Thủy, Phú Xuyên, TP Hà Nội), Dương Quốc Huy (SN 1998, trú Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, TP Hà Nội) và Nguyễn Đình Tuấn (SN 1982, trú Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, TP Hà Nội) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Theo điều tra ban đầu, tháng 6/2018, Hưởng, Huy và Tuấn đã sử dụng mạng Internet mua và lập tài khoản có tên miền là “mecash.vn” với tài khoản tên “nguyenvanlong825” để phục vụ cho việc quản lý hồ sơ người vay tiền.

Bên cạnh đó, nhóm này in tờ rơi quảng cáo với nội dung “Cho vay trả góp, nhanh - gọn - lẹ, chỉ cần CMND + hộ khẩu, giải ngân trong vòng 10 phút” để đi dán tại các cột điện, bờ tường, khu vực công cộng.

Khi người dân có nhu cầu vay tiền, nhóm người trên sẽ trực tiếp đến xem chỗ ở của người cần vay để quyết định số tiền vay.

Sau đó, người dân chỉ cần mang CMND, sổ hộ khẩu đến nhà trọ của Hưởng (tại tổ 3, Nghĩa Thành, Gia Nghĩa, Đắk Nông) để làm thủ tục vay.

Với hình thức vay này, người dân sẽ phải trả cho nhóm của Hưởng 10% tổng số tiền cần vay (phí để đi thu tiền góp hàng ngày) và phải nộp cho nhóm của Hưởng từ 2 ngày góp trở lên; trừ số tiền phí, tiền góp thì người dân được nhận số tiền còn lại.

Bằng thủ đoạn nêu trên, chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm đối tượng đã cho 208 người dân vay tiền trả góp theo ngày với số tiền thu lợi bất chính là 141,66 triệu đồng, với lãi suất từ 281,05%/năm đến 365%/năm.

nguoi dan khon don vi vay tien tin dung den Cô giáo ở Sài Gòn viết đơn xin ‘xã hội đen’ cho đi dạy

Liên tục bị dồn ép, đe dọa, một cô giáo ở TP.HCM phải viết đơn xin “xã hội đen” cho mình yên ổn để mưu ...

nguoi dan khon don vi vay tien tin dung den Vì sao cho vay trực tuyến lãi suất 720% vẫn có đất sống?

Một công ty cho vay ngang hàng (P2P) mới thành lập cuối năm trước, nhưng hiện mỗi ngày có tới 2.000 đơn xin vay.

chọn
Đấu giá đất ở Thanh Oai (Hà Nội): Chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền
Tiếp tục thông tin về tiến độ nộp tiền sau trúng đấu giá đất tại huyện Thanh Oai (Hà Nội), ngày 16/9, lãnh đạo huyện cho biết: Với 68 thửa đất trúng đấu giá, đến thời hạn cuối cùng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định, chỉ có 12 trường hợp nộp đủ tiền; 56 thửa đất không nộp tiền hoặc không nộp đủ. Đáng chú ý, 12 trường hợp nộp tiền có giá trúng cao nhất là 55,167 triệu đồng/m2.