Tờ rơi quảng cáo cho vay vốn trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai (ảnh chụp chiều 9-3). (Ảnh: QUANG ĐỊNH)
Ngày 8/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị bàn và triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tín dụng đen..
Giải pháp đặt ra lần này là phát triển tín dụng tiêu dùng. Liệu đã đủ để ngăn trở những cái bẫy tín dụng đen khắp các tỉnh thành lâu nay?
Với kiểu phát tờ rơi, dán quảng cáo, sử dụng sim điện thoại rác và mạng xã hội để tiếp thị, lôi kéo người vay, tín dụng đen đã "phủ sóng" rộng khắp, từ các đô thị lớn dần tràn về ruộng đồng, rẫy cà phê, hoành hành từ đồng bằng đến các bản làng dân tộc thiểu số.
Bốn năm qua, cả nước ghi nhận hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp giật, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 165 vụ hủy hoại tài sản...
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã hình thành tới 210 băng nhóm với khoảng 1.600 đối tượng cho vay lãi suất cao - tín dụng đen... Hậu quả thật sự khủng khiếp, khi lãi suất lên đến 365%/năm.
Đã có nhiều hội nghị, hội thảo nói về nguyên nhân nở rộ tín dụng đen. Tuy nhiên, có một thực tế nguyên nhân cũng là yếu kém, đó là chúng ta đã quá chậm chân trong việc ngăn chặn, xử lý. Các đường dây cho vay từ Bắc vào Nam với cách thức lôi kéo, dụ dỗ, "giăng bẫy" khá giống nhau, đều áp đặt mức lãi suất cắt cổ.
Và đáng sợ là cách đòi nợ hung tợn, không ngại dùng vũ lực và các kiểu gây áp lực, hoảng loạn tinh thần... cho thấy những nhóm này hoạt động có tính tổ chức, không phải tự phát, riêng lẻ.
Gần đây, phối hợp với các ngành liên quan, lực lượng công an nhiều tỉnh thành đã khám phá, xử lý hành chính và hình sự nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cơ quan công quyền chậm chân, để "dịch" tín dụng đen thực sự đã lây lan rộng khắp.
Quy định xử lý về cho vay nặng lãi đã có, người dân cũng phản ảnh, tố cáo, kêu cứu nhiều nhưng chính quyền và công an thiếu những biện pháp răn đe, ngăn chặn. Thậm chí có nơi tín dụng đen đặt "bản doanh" gần trụ sở công an, UBND phường...
Bài học đầu tiên qua vụ tín dụng đen đối với chính quyền và cơ quan bảo vệ pháp luật các cấp là phải chú ý lắng nghe, phát huy "tai mắt" từ nhân dân, có biện pháp phòng ngừa, sớm ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm hoạt động, băng nhóm tín dụng đen.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc với nhiều giải pháp từ ngân hàng nhằm tiếp cận, trợ giúp vốn cho người nghèo, góp phần ngăn chặn tín dụng đen. Với người dân, những phản ánh qua báo đài vừa qua đã quá đủ để mỗi người tự cần rút ra bài học.
Khi cần chữa bệnh, học hành, làm ăn..., cần tìm đến các tổ chức tín dụng nhà nước, ngân hàng chính sách, tổ chức từ thiện, hội đoàn... thay vì tự rước họa vào thân bằng vay tiền tín dụng đen, vốn không bao giờ có lối thoát.
Đặc biệt, người nghèo cần tỉnh táo "liệu cơm gắp mắm", tuyệt đối không vay nặng lãi để mua xe sang, sắm hàng hiệu... cho bằng người ta để rồi tự nguyện trở thành những "con mồi" của tín dụng đen.
NGUYỄN VĂN HÙNG
Một đêm nọ, hai thanh niên nói giọng Bắc chạy xe máy đến nhà đôi vợ chồng già làm nghề chạy xe ôm ngay đầu hẻm nhà tôi. Mọi người nghe hai thanh niên này lớn giọng hăm dọa hai người già. Ai cũng hiểu là hai thanh niên này đến để đòi nợ.
Sáng hôm sau, nghe kể lại: ông bệnh, bí tiền, nhìn thấy thông tin cho vay dán gần nhà, bà đến hỏi 1 triệu đồng. Chỉ riêng tiền lãi, ông bà phải trả 30.000 đồng/ngày cho hai thanh niên kia.
Tuần sau, cũng vào đêm khuya lại nghe tiếng xe máy ầm ào và những tiếng chửi thề. Ngôi nhà của một chị trong xóm bị người lạ ném sơn và xú uế đầy nhà. Mọi người hiểu rằng đó là hành vi "dằn mặt" của nhóm cho vay dành cho người trả tiền không đúng hẹn.
Kể từ đó, tôi không còn thấy chị hàng xóm ấy nữa. Chị đã đi trốn nợ vì gần cả năm nay không thể xoay kịp tiền trả lãi mẹ, lãi con.
Những câu chuyện không còn mới mẻ gì. Những buổi chiều, có những thanh niên lạ mặt chạy xe máy lòng vòng để tìm người. Nơi tôi ở (cách chợ Gò Vấp, TP.HCM chưa đầy 1km) rất dễ tìm thấy những tờ giấy A4 với nội dung cho vay "5 phút có tiền", dán đầy từ hẻm nhà ra đến chợ.
Nhiều người nói "vay nóng có tiền nhanh lắm, nhưng chết cũng nhanh". Tôi chưa tận mắt thấy ai chết vì vay nóng, nhưng sống quẫn bách vì vay tiền dạng này đối với tôi không còn lạ nữa. Nhiều người bị sỉ nhục, hăm dọa, phải bỏ trốn hay gia đình tan nát vì sự khủng bố tinh thần đủ kiểu mỗi ngày.
Những người làm nghề cho vay đã chìa bàn tay ra mời gọi người khốn khó, cần tiền gấp với thủ tục rất đơn giản và linh động, mọi lúc mọi nơi. Một cuộc gọi cho họ tức là bước chân vào "cái bẫy" lãi suất trên trời và vòng xoáy nợ nần sau đó. Thay vì vay ngân hàng, người thân... giờ cầm tiền người lạ quá dễ dàng, nhanh gọn, lãi suất cũng cao hơn trước. Và cảnh đời vụn vỡ vì nợ ngày càng nhiều...
TẠ TƯ VŨ
Câu chuyện về tín dụng đen được bàn thảo nhiều từ năm 2018, nhưng gần như chưa có giải pháp hiệu quả nào có thể đẩy lùi kiểu cho vay nhanh - đòi nợ có bạo lực, có nước mắt và cả máu này.
Về mặt pháp lý, vay và cho vay tài sản trong cộng đồng dân cư là được phép, pháp luật cũng quy định rõ các giới hạn cho hoạt động này. Theo đó, lãi suất mà các bên thỏa thuận phải trong khuôn khổ mà pháp luật quy định. Mặc dù biết vay tín dụng đen phải trả lãi quá cao hơn quy định, nhưng người vay vẫn chấp nhận. Vì sao như vậy?
Nhiều khi vay tiền chỉ vì thấy dễ vay thì vay để sắm, để xài (nhiều khi chưa cần thiết) trong khi chưa tính được cách trả khoản nợ của mình. Tưởng không cần thế chấp gì nhưng khi đã cầm tiền vay với thỏa thuận lãi suất cao ngất, người vay đang thế chấp cả hộ nhà mình, thế chấp sức khỏe, tính mạng, sự bình yên của gia đình mình.
Đến hạn không trả tiền sẽ có người đến đúng địa chỉ trong hộ khẩu đòi nợ, xiết nợ bằng các cách từ chửi bới đến bắt giữ người, khủng bố cả người thân của "con nợ".
Nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn tập trung trấn áp các tổ chức, băng nhóm TDĐ, sử dụng các chế tài pháp lý bảo vệ người vay tiền. Khi người vay không còn "chơi vơi" chống chọi, các băng nhóm tín dụng đen sẽ thu hẹp hoạt động.
BAN MAI