Lần đầu tiên chăm sóc con nhỏ, còn lóng ngóng vụng về nhưng ông bố trẻ vẫn cố gắng một mình “khiêng” hết việc từ cơm nước, giặt giũ đến việc thức đêm bế con, thay tã cho con khi vợ mới sinh mổ.
Hai vợ chồng chị Vương Thu Trang và anh Phạm Tiến Bảo (Điện Biên) cùng sinh năm 1982. Vợ chồng anh chị đều kinh doanh các mặt hàng nông sản Tây Bắc tại nhà. Trước đây, anh Tiến Bảo từng là khách mua hàng online của chị Trang. Yêu xa một thời gian, chị Trang từ Hà Nội quyết định lên Điện Biên xây dựng tổ ấm cùng chồng.
|
Chị Vương Thu Trang và anh Phạm Tiến Bảo. |
Những ngày này, dù mới sinh, vết mổ còn đau, đi lại còn khó khăn, chăm con cũng nhiều vất vả, cực nhọc nhưng chị Thu Trang cảm thấy ấm lòng khi có được người chồng sớm khuya chăm sóc tận tâm với vợ, với con. Chị Trang cho biết: “Từ khi còn yêu, chồng mình đã rất chu đáo với gia đình nhà vợ, thường xuyên gọi điện hỏi thăm bố mẹ mình, có gì ngon lại gửi bằng được về cho ông bà. Khi lấy nhau rồi cũng vậy, thương mình lên đây không có người thân, bạn bè nên chồng mình chẳng mấy khi đi đâu lâu vì sợ mình buồn”.
Trước khi có con, chị Trang cũng đã từng mang thai ngoài dạ con phải cắt một vòi trứng, một tay chồng chị chăm vợ, cơm nước, vệ sinh vết mổ. May mắn sinh được con sau một thời gian, chị Trang hạnh phúc hơn khi thời gian mang bầu ốm mệt, nghén ngẩm, dị ứng thai kỳ rất khổ sở nhưng anh Tiến Bảo luôn bên cạnh, động viên, an ủi, chăm sóc vợ từng ly từng tí.
Chị Trang xúc động cho biết: “Chồng mình dù rất mong con, cũng đã có lúc ứa nước mắt bảo mình khổ thế này thì thôi không sinh nữa, nhưng vì yêu chồng và cũng rất mong nhìn thấy con chào đời nên mình đã vượt qua tất cả, cố gắng hết sức để sinh bé trai 3kg ở tuần 38 của thai kỳ”.
|
Chị Trang sinh bé ở tuần 38 của thai kỳ. |
|
Anh Tiến Bảo thường thức đêm bế con giúp vợ. |
|
Ngủ cùng con. |
|
Anh còn tắm cho con, thay tã rất... chuyên nghiệp. |
Chị Trang cho biết, trước khi sinh xác định chỉ có hai vợ chồng tự lực nên vợ chồng chị đã chuẩn bị một số món ăn ở cữ chia hộp thành từng phần nhỏ để ngăn đá, đến bữa chồng chị chỉ cần cắm cơm, nấu canh hâm lại đồ ăn. Gần sinh, chị Trang thường bị tê bì hết tay nên mọi việc đều do chồng chị đảm nhận.
Sau sinh, anh Tiến Bảo không chỉ tận tụy chăm vợ mà còn chịu khó lên mạng tìm hiểu món nào lợi sữa, sinh mổ không ăn được những gì, cách tắm cho con ra sao. Chị Trang kể, khi chồng xem video về sinh mổ, anh kêu nhìn sợ quá, chảy nước mắt vì thương và xót vợ.
Chị Trang chia sẻ thêm về chồng của mình: “Anh nhìn bề ngoài hầm hố xăm trổ nên thường bị đánh đồng là chơi bời, hư hỏng… Nhiều khi ngay cả người thân cũng trách móc, coi thường. Nhưng chồng mình vẫn vui vẻ ai nghĩ sao cũng được. Nhiều người nói chồng mình là làm việc đàn bà nhưng chồng vẫn chăm vợ chăm con bằng tất cả tình yêu dành cho gia đình, mặc ai muốn nghĩ gì nói gì cũng được”.
|
Anh Tiến Bảo không nề hà bất kỳ công việc gì. |
|
Hàng ngày anh vẫn tất bật lo công việc kinh doanh. |
|
Nhưng không quên chăm sóc gia đình. |
|
Nấu ăn, giặt giũ, chăm vợ chăm con đều do một tay anh đảm nhận. |
Hiện tại, buổi sáng anh Tiến Bảo dậy từ 6h để vệ sinh cho con, nấu ăn sáng cho vợ rồi mở cửa hàng, đóng hàng gửi cho khách. Đến 10h hơn lại tranh thủ cơm nước cho vợ, ăn cơm xong nghỉ trưa, 2h lại chuẩn bị nước tắm cho con, chiều 5 lại cơm nước. Vừa buôn bán vừa kết hợp chăm vợ con. Đêm bé thức thì anh lại bế giúp chị, mỗi khi con cần thay tã, anh lại thay thoăn thoắt 5 phút là xong. Cuộc đời của người phụ nữ, giàu sang phú quý chưa cần nghĩ tới, chỉ cần có một gia đình ấm áp, yêu thương nhau như thế là đủ, chị Trang bộc bạch.