Trong những ngày gần đây, vấn đề chất lượng không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy liên tục nhiều ngày, có những thời điểm chỉ số chất lượng không khí AQI của Hà Nội ở mức kém. Việc gia tăng mức độ ô nhiễm và hiện tượng sương mù quang hoá đã gây những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng. Đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn ô nhiễm vốn có.
Ngoài các nguyên nhân trên, một yếu tố khác đó là những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi năm TP. Hà Nội phát sinh khoảng 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Hình ảnh được ghi nhận tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, như: Thanh Trì, Phúc Thọ, Quốc Oai...
Trước đây, người dân gặt xong nông dân thường mang rơm rạ về sân nhà đánh đống để trâu, bò ăn, ủ phân hoặc làm chất đốt. Tuy nhiên, giờ đây việc đồng áng cày cấy sử dụng máy móc. Nhà nông không còn nhu cầu sử dụng rơm rạ nữa. Vì thế, gặt xong để một thời gian cho rơm rạ khô họ đốt ngay tại cánh đồng.
Theo các chuyên gia, đốt rơm tạo bụi và các chất khí CO2, CO, NOx.... ảnh hưởng tới môi trường không khí và sức khỏe con người. Trong đó, người chịu ảnh hưởng đầu tiên chính là người nông dân trực tiếp thực hiện việc đốt rơm...
Không những vậy, khói từ việc đốt rơm rạ còn gây ra sự cản trở tầm nhìn với người tham gia giao thông, tiềm ẩn rất lớn nguy cơ về tai nạn giao thông.
Tuyến đường vành đai 3 trên cao mờ mịt trong khói bụi những ngày qua.
Người đi đường di chuyển trong "màn sương" được tạo ra bởi khói bụi ô nhiễm.
Tổng cục Môi trường khuyến cáo, trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng độ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, nhất là vào buổi sáng và đêm. Do vậy, người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời, nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt.