Khi các công ty dược phẩm đang nỗ lực tìm kiếm vắc xin Covid-19 thì thế giới vẫn tồn tại những câu hỏi xung quanh đợt vắc xin đầu tiên, về mức độ hiệu quả, khả năng phân phối cho hơn 7 tỉ người và bao nhiêu người sẽ đồng ý sử dụng.
Ông Chris Chapman, Giám đốc quản lí danh mục đầu tư tại Manulife Investment chia sẻ với Bloomberg, ngay cả khi hệ thống tiêm chủng vắc xin thành công, thì đây cũng không phải phương thuốc tức thời chữa được bách bệnh cho nền kinh tế.
Ông Chapman cho biết thêm: "Kinh tế thực sự quay trở lại được thời kì tiền Covid-19 hoặc về lại được xu hướng tăng trưởng thì phải mất hơn một năm".
Nếu như trước đây, nền kinh tế thế giới phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương và những người đứng đầu bộ tài chính bơm tiền vào thì lần này thì khác. Thời gian tìm ra vắc xin Covid-19 càng kéo dài thì khả năng kinh tế phục hồi càng yếu đi.
Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể tạo ra những bước đột phá cho tương lai gần. Nếu chỉ một phần nhỏ dân số như nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất được tiêm chủng, điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Khi điều này xảy ra, người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn trong năm 2020, và không còn phải tiết kiệm quá nhiều.
Ông Neil Ferguson, nhà dịch tễ học tại đại học Imperial College London đồng thời là cựu cố vấn Covid-19 cho chính phủ Anh, cho biết “Nhiều hi vọng vắc xin sẽ có vào cuối mùa xuân năm sau, và đủ cho những nhóm người dễ bị tổn thương nhất".
Tuy nhiên, cho đến lúc đó, chúng ta vẫn cần hành động cân bằng giữa việc mở cửa xã hội và việc kiểm soát virus, ông Ferguson nói thêm.
Tuy nhiên, sự gián đoạn trong nghiên cứu có thể làm chậm lại tiến độ. Công ty Johnson & Johnson đã tạm dừng các thử nghiệm lâm sàng sau khi một người tham gia bị ốm. Trước đó vài tuần công ty AstraZeneca Plc và Đại học Oxford cũng dừng vì lí do tương tự.
Bên cạnh đó, phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả giúp phục hồi kinh tế cũng có nhiều vấn đề. Loại thuốc Remdesivir của Gilead Sciences In đã làm thất vọng khi cho thấy khả năng kháng virus không thể cứu được bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã cho phép sử dụng loại thuốc này trong tuần qua.
Ngay cả khi vắc xin thành công và có khả năng phân phối thì chỉ một nhóm nhỏ sẽ được tiêm phòng đầu tiên. Các hoạt động đi lại và giải trí vẫn sẽ bị gián đoạn.
Cơ hội tăng trưởng toàn cầu theo hình chữ V vẫn tiếp tục gặp nhiều rắc rối khi mùa đông sắp đến kéo theo nguy cơ lây nhiễm virus càng cao.
Dữ liệu của Bloomberg Economics gần đây đã chỉ ra hoạt động ở các nước công nghiệp trong tháng 10 đang suy yếu, đặc biệt là ở châu Âu.
Cựu Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Alan Greenspan chia sẻ với Bloomberg Television vào tuần trước, khi chấm dứt được đại dịch Covid-19 thì những vết sẹo kinh tế lại hình thành, trong đó bao gồm mất việc làm, nợ tăng cao, doanh nghiệp phá sản, bỏ lỡ cơ hội đầu tư, toàn cầu hóa đảo ngược, bất bình đẳng gia tăng,...
Một nghiên cứu gần đây đã tuyên bố, chỉ riêng nền kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến các tác động tiêu cực trong dài hạn, nhiều hơn các tác động trong ngắn hạn. Đây không đơn thuần là cuộc khủng hoảng tài chính mà nó đang chuyển thành một cuộc khủng hoảng kinh tế qui mô lớn, với những hậu quả về tài chính rất nghiêm trọng.
Ngay cả ở những nơi trên thế giới đã ngăn chặn được virus thì người dân cũng đang rất thận trọng.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu tăng dù nước này đã gỡ bỏ các giới hạn nghiêm ngặt từ những tháng trước.
Hiện tại đang xuất hiện những ca nghi vấn tái nhiễm. Điều này lại gây ra những trở ngại khác trong khi vắc xin chỉ giải quyết được một phần vấn đề.
Ông Graham Medley, giáo sư về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London, Anh cảnh báo về khả năng cao virus SARS-CoV-2 sẽ như bệnh cúm, có thể cần phải tiêm phòng thường xuyên.
Ông Graham Medley nói, "Nếu lần mắc Covid-19 thứ hai và thứ ba có khả năng lây nhiễm tương tự như lần đầu tiên và vắc xin thì không hiệu quả thì nhiều khả năng Covid-19 sẽ là một phần trong cuộc sống năm 2022".