Khủng hoảng của WeChat gây thiệt hại cho hàng loạt tập đoàn Mỹ

Bên cạnh việc gây tổn thất cho ông trùm Tencent của Trung Quốc, lệnh cấm WeChat tại Mỹ còn là một đòn 'gậy ông đập lưng ông' với chính các tập đoàn sừng sỏ như Apple, Nike.

Sau khi làm tê liệt Huawei và phá vỡ kế hoạch phủ sóng toàn cầu của ByteDance, Mỹ hiện đã chuyển hướng sang gã khổng lồ công nghệ thứ ba của Trung Quốc: Tencent.

Lệnh cấm WeChat - ứng dụng quan trọng bậc nhất hiện nay của khoảng một tỉ người dùng Trung Quốc, sẽ có tác động nặng nề không chỉ với công ty công nghệ lớn thứ hai Trung Quốc mà còn khiến hàng loạt các công ty Mỹ khốn đốn.

Đạo luật bất lợi cho WeChat do Tổng thống Donald Trump ngày 6/8 vừa qua rất mơ hồ và không làm rõ mức độ nghiêm trọng của lệnh cấm. Tencent tuyên bố họ đang xem xét lại thông tin "để nắm được đầy đủ."

Tuy nhiên, thông tin này đã quá đủ đáng ngại để khiến giá cổ phiếu Tencent và Apple giảm hàng chục tỉ USD. Bộ Thương mại Mỹ hiện có 45 ngày để giải thích và thực thi các điều luật vừa ban hành, giúp Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross có thêm quyền lực kiểm soát ngành công nghệ toàn cầu.

Áp dụng chặt chẽ cơ chế mới có thể buộc Apple và Google phải xóa WeChat và ứng dụng liên quan là Weixin khỏi chợ ứng dụng AppStore và Google Play. Động thái này chắc chắn sẽ làm giảm mạnh doanh số bán iPhone ở Trung Quốc do tính phổ biến của ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent.

Các luật sư cảnh báo Mỹ cũng có thể cấm Tencent sử dụng các loại chip máy tính, máy chủ và phần mềm của Mỹ để vận hành thiết bị. Mặt khác, nhiều tập đoàn Mỹ như Walmart, Coke và Nike đang dựa vào WeChat để tiếp thị và bán hàng cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. 

WeChat đã thay thế phần lớn kênh email ở Trung Quốc và là một trong hai phương thức thanh toán trực tuyến chính ở các thành phố ngày càng hiếm tiền mặt của Trung Quốc.

Khủng hoảng của WeChat đe dọa hàng loạt tập đoàn Mỹ - Ảnh 1.

Lệnh cấm mới có thể buộc Apple và Google phải xóa WeChat khỏi chợ ứng dụng, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người dùng. (Ảnh: FT)

Những kẽ hở trong đạo luật mới

Dù vậy, một điều hiển nhiên là chính phủ Mỹ không thể cấm mọi người sử dụng WeChat bởi theo đạo luật do ông Trump viện dẫn, chính quyền không thể chặn bất  kênh thông tin liên lạc cá nhân nào không liên quan đến giao dịch tài chính. 

Tờ Financial Times nhận định sắc lệnh mới có vẻ được soạn thảo một cách vội vàng. Công ty được nhắc tên trong lệnh cấm là Tencent Holdings Ltd, Thâm Quyến, Trung Quốc không tồn tại. Tencent Holdings là tên của công ty mẹ được niêm yết tại Hong Kong trong khi Tencent Technology mới là đơn vị có trụ sở tại Thâm Quyến. Giới luật sư hiện đang tranh cãi gay gắt về việc liệu lệnh cấm chỉ nhắm tới WeChat hay tất cả các hoạt động kinh doanh của Tencent tại Mỹ.

Một số nhà phân tích cho biết có thể các công ty và cá nhân Mỹ sẽ không bị cấm làm việc với ứng dụng này ở Trung Quốc. "Chúng tôi tin rằng WeChat (ở nước ngoài) có thể bị ảnh hưởng, nhưng Weixin ở Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng," Bernstein nói trong một ghi chú, đề cập đến ứng dụng bằng tên tiếng Trung của nó.

Những thiệt hại lớn cho cả doanh nghiệp và người dùng

Trong những năm gần đây, Tencent đã nỗ lực mở rộng tầm phủ sóng cho WeChat ở nước ngoài, bắt tay với Visa, Mastercard và American Express để mở kênh thanh toán bằng thẻ tín dụng ngoài Trung Quốc trên hệ thống WeChat Pay.

Vào tháng 11/2019, WeChat hợp tác với Symphony, một ứng dụng trò chuyện có trụ sở tại Mỹ tập trung vào ngành tài chính, cho phép người dùng kết nối trên hai nền tảng.

Số người dùng WeChat ở Mỹ chỉ khoảng 3 triệu người hoạt động hàng tháng, chủ yếu là Hoa kiều và du học sinh Trung Quốc muốn giữ liên lạc với gia đình và bạn bè ở quê nhà. Lệnh cấm mới có thể ảnh hưởng khá nhiều tới hai nhóm đối tượng này.

Mặt khác, mối quan tâm lớn hơn nhiều so với lệnh cấm mới với Tencent là khả năng không thể mua dịch vụ máy chủ hoặc chip do Mỹ sản xuất trong các hoạt động liên quan đến WeChat.

"Tencent là khách hàng lớn trong thị trường công nghệ và dịch vụ của Mỹ", Dan Wang - nhà phân tích tại Gavekal Dragonomics cho biết. Đạo luật mới có thể tước đi một số công nghệ của Mỹ mà Tencent đang phụ thuộc. WeChat được lưu trữ trên các máy chủ tại Mỹ và thường sử dụng linh kiện hoặc phần cứng của các công ty Mỹ như Intel.

Động thái chống lại Tencent được cho là bước tiến tiếp theo và tương tự với những gì chính phủ Mỹ từng làm với Huawei. Cả hai ông lớn Trung Quốc sẽ có khoảng thời gian chờ đợi vô vọng trước khi kì bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo diễn ra.

Cũng không rõ liệu lệnh cấm mới có ảnh hưởng đến đà tăng trưởng chính của Tencent là trò chơi trực tuyến hay không. Doanh thu từ thị trường này đã tăng 26% trong quý đầu tiên so với cùng năm ngoái, đạt 108,1 tỉ NDT (15,2 tỉ USD).

Tencent hiện là công ty Trung Quốc duy nhất góp mặt trong danh sách 10 nhà cung cấp ứng dụng và trò chơi lớn nhất thế giới tính theo lượng tải xuống vào năm ngoái, theo trang tin công nghệ App Annie.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.