Video học sinh đồng tính bị bạn trong lớp chọc ghẹo gây bức xúc |
Mới đây, một clip dài hơn 30 giây đã ghi lại hình ảnh học sinh là LGBT bị các bạn trong lớp trêu ghẹo. Trong clip, học sinh nam đang ngồi “chịu trận” trước hàng loạt các hành động trêu chọc từ các bạn học trong lớp.
Tuy nhiên, điều càng khiến người xem bức xúc hơn đó chính là không một ai đứng ra bảo vệ bạn học sinh này. Một số học sinh khác còn dùng điện thoại để quay lại cảnh bạn mình bị bắt nặt cùng tiếng cười đùa thích thú.
(Ảnh cắt từ clip) |
Vụ việc đau lòng trên tiếp tục trở thành một hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo lực học đường đối với người LGBT. Câu chuyện về người học sinh là LGBT bị trêu ghẹo trong đoạn clip chỉ là một trong số rất nhiều những vụ bạo lực học đường với người LGBT đã và đang diễn ra.
Bạo lực học đường: nỗi ám ảnh với người LGBT
Một nghiên cứu về bạo lực học đường do tổ chức CCIHP tiến hành năm 2012 cho thấy 40.7% người LGBT đã từng bị bạo lực và phân biệt đối xử ở trường học, 13.2% bị bạo lực bởi các thầy cô giáo trong trường.
Nghiên cứu này cũng cung cấp thêm một số thông tin về bối cảnh của bạo lực: tuổi trung bình lần đầu bị bạo lực là 12.39 tuổi, 15% bị bạo lực hàng ngày, thời gian diễn ra phổ biến nhất là giờ nghỉ giải lao, địa điểm là trong chính lớp học, với nguyên nhân hàng đầu cũng là cách ăn mặc, đi đứng.
Một nghiên cứu gần đây về bạo lực học đường trên cơ sở giới với học sinh LGBT do UNESCO thực hiện năm 2015 tại 20 nước ở Châu Á, trong đó có Việt Nam, cho thấy 70% học sinh LGBT từng bị bắt nạt bằng lời nói (gọi tên và các kiểu chọc ghẹo), cao nhất so với các nước cùng bảng khảo sát là Trung Quốc, Nhật, Hàn, Thái Lan.
(Ảnh: Dự án Bây giờ hay bao giờ về nạn bạo lực học đường). |
Các hành vi phân biệt đối xử diễn ra dưới nhiều hình thức như: tẩy chay, ngừng kết bạn khi phát hiện ra bạn là LGBT, trêu chọc,… dẫn đến các hậu quả nhiều học sinh LGBT phải trốn học (9.8%) hoặc thậm chí bỏ học (5.0%) vì sự phân biệt đối xử này.
Nguyên nhân của bạo lực học đường đối với người LGBT những định kiến về giới tính và tình dục, các vai trò và quy chuẩn về giới tính của nam và nữ. Khi những kiến thức về giới tính vẫn còn hạn hẹp, sự thiếu hiểu biết đã vô tình chung dẫn tới các hành vi bạo lực học đường với học sinh là LGBT.
Nạn bạo lực học đường dựa trên cơ sở về giới đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách và khả năng hòa nhập của học sinh. Không ít học sinh LGBT trở nên trầm cảm, ngại tiếp xúc bạn bè, suy giảm khả năng học tập, dẫn tới áp lực từ gia đình rồi lại tiếp tục che giấu, học hành sa sút như một vòng lẩn quẩn. Một số trường hợp do áp lực của sự kì thị trong môi trường học đường đã bị trầm cảm và tìm đến cái chết.
'Cần giáo dục học sinh có tính bao dung và thông cảm'
Trước nạn bạo lực học đường với học sinh LGBT đã và đang ngày trở nên phức tạp, thầy Phan Huy Thông, giáo viên tại Trường THPT Trung Phú, TP Hồ Chí Minh, cho rằng: "Sự kì thị và phân biệt đối xử với học sinh LGBT đến từ sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức. Chính nhà trường và giáo viên là người có trách nhiệm cho sự thiếu hiểu biết này. Nếu biết được thông tin về vụ bạo lực học đường, phía nhà trường nên có động thái kỷ luật các bạn học sinh cá biệt vì đã có hành động trêu đùa bạo hành tâm lý và gây mất danh dự cho bạn mình.
Bản thân giáo viên nếu là người có hiểu biết về LGBT nên có những hoạt động để phổ biến những kiến thức đó đến với các em. Giáo viên phải là người giáo dục các em tính bao dung và thông cảm đối với các bạn LGBT thì chắc chắn sẽ không có chuyện này xảy ra.
Thầy Phan Huy Thông. (Ảnh: NVCC) |
Bản thân tôi là người LGBT và trên cương vị là một người thầy, tôi từng nói với học sinh mình rằng: ‘Không một ai có quyền được chọn lựa cha mẹ, hoàn cảnh, giới tính và nếu các bạn đem những điều đó ra để trêu đùa và mua vui thì đó chính là tội ác. Bản thân bạn không muốn trở thành trò đùa cho kẻ khác vậy tại sao bạn bị người khác thành trò đùa cho mình.
Hôm nay có thể bạn cười rồi bạn sẽ quên. Nhưng nạn nhân của trò đùa do bạn gây ra thì sẽ không bao giờ quên được điều đó. Nên các bạn hãy nhớ rằng không phải lúc nào đùa thì cũng vui. Mình nên sống có đạo đức và cư xử có chừng mực.’
Trong lớp, tôi rất nghiêm khắc đối với những trò đùa vô duyên như thế này. Bởi nếu không ngăn chặn ngay từ đầu, các em học sinh vô tình biến nó thành trò đùa thái quá gây ảnh hưởng đến học sinh LGBT và có thể dẫn tới hậu quả khôn lường."
Bi kịch của người tù LGBT bị xâm hại tình dục đồng giới
Ron tại Homewood, Illinois đã phải vào tù năm 2010 vì liên quan đến ma túy tổng hợp. Ở tuổi 30, nhưng mọi thứ với ... |
Đạo diễn chuyển giới 9X trải lòng về chuyện 'thích làm phim dị tính nhiều hơn phim LGBT'
Sau thành công từ bộ phim đầu tay Trái Cấm, đạo diễn chuyển giới Yun Bin tiếp tục xây dựng nhân vật LGBT với hình ... |