Kiên Giang có thể xây sân bay trên hải đảo nhân tạo ở Vịnh Rạch Giá

Tỉnh Kiên Giang dự kiến di dời sân bay Rạch Giá từ đất liền ra Vịnh Rạch Giá, quy hoạch ba sân bay thủy phi cơ ở Phú Quốc và các khu lấn biển.

Theo hồ sơ dự thảo quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được cập nhật, công bố gần nhất vào tháng 3 vừa qua), tỉnh này dự kiến có 5 sân bay, trong đó có ba sân bay thủy phi cơ. Riêng sân bay Rạch Giá sẽ được di dời ra khu vực lấn biển.

Cụ thể, Kiên Giang có hai sân bay hiện hữu được cập nhật theo Quy hoạch thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là: Rạch Giá và Phú Quốc. 

Sân bay Rạch Giá Quy hoạch tiêu chuẩn cấp 3C, diện tích đất dự kiến 200 ha; công suất thiết kế đến năm 2030 đạt 0,5 triệu hành khách/năm. Sân bay này đảm bảo khai thác cho các loại máy bay tương đương Airbus 576 A321. Giai đoạn đến năm 2050, sân bay này được di dời ra khu vực lấn biển với quy mô khai thác đạt công suất 1 triệu hành khách/năm.

Vị trí dự kiến làm Sân bay Rạch Giá ở khu vực Vịnh Rạch Giá. (Nguồn: Dự thảo Bản đồ Phương án phát triển kết cấu hạ tầng GTVT Kiên Giang).

 Phối cảnh dự kiến sân bay Rạch Giá ở khu lấn biển. (Nguồn: Dự thảo quy hoạch Kiên Giang cập nhật năm 2022).

Căn cứ theo hồ sơ dự thảo thì vị trí đặt sân bay Rạch Giá mới sẽ ở khu vực Vịnh Rạch Giá, thuộc huyện An Biên, cách sân bay Rạch Giá hiện tại hơn 10 km theo đường chim bay. Để xây dựng sân bay này sẽ cần lấn biển tạo đảo nhân tạo và các đường kết nối với bờ biển.

Trước đó, tại hồ sơ dự thảo quy hoạch được cập nhật tháng 7/2022, đơn vị lập quy hoạch (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sân bay Rạch Giá hiện hữu có một số hạn chế như: Vị trí nằm trong khu vực dân cư đông đúc, khó nâng cấp mở rộng, hiện tại chỉ tiếp nhận được các dòng máy bay ATR 72, FK 70 và các loại tàu bay có tải trọng khai thác tương đương trở xuống.

Do đó, để đáp  ứng  nhu cầu đi lại đường hàng không, tương lai cần thiết phải di dời sân bay sang vị trí mới đáp ứ ng được nhu cầu nâng cấp, mở rộng và đảm bảo khoảng cách khu vực trung tâm thành phố theo quy định.

Sân bay mới sẽ tiếp nhận được các loại máy bay Airbus 320 trở lên. Thời gian di chuyển sân bay dự kiến là sau năm 2030. 

Đối với sân bay Phú Quốc, quy hoạch đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn cấp 4E, diện tích đất dự kiến 905,31 ha, một đường băng, công suất thiết kế đạt 10 triệu hành khách/năm. Quy hoạch đến năm 2050 đạt tiêu chuẩn cấp 4E, diện tích đất dự kiến 915,56 ha, hai đường băng, công suất thiết kế đạt 18 triệu hành khách/năm.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, phát triển ngành du lịch của tỉnh, dự thảo quy hoạch đề xuất định hướng đến năm 2050 phát triển mới ba sân bay thủy phi cơ tại ba đô thị của tỉnh là thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và Phú Quốc.

Cụ thể, sân bay thủy phi cơ Rạch Giá được đề xuất đặt tại khu lấn biển Tây Bắc Rạch Giá. Sân bay thủy phi cơ Hà Tiên dự kiến đặt tại khu lấn biển theo quy hoạch chung TP Hà Tiên đến năm 2040.  Sân bay thủy phi cơ Phú Quốc được đề xuất đặt tại khu vực Cầu cảng Quốc tế Phú Quốc.

Cả ba sân bay này đều có chức năng phục vục công tác du lịch, vận tải, nông nghiệp (phun thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, quan sát lâm nghiệp trong việc trồng rừng), y tế - cứu hộ và các lĩnh vực khác (nghiên cứu đo đạt bản đồ, thông tin địa lý).

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.