Kiến nghị sử dụng lá ngón để tử hình phạm nhân cho tiết kiệm là chưa phù hợp?

Việc áp dụng thi hành án bằng tiêm thuốc độc sẽ làm hạn chế người bị kết án tử hình đau đớn và kinh hoàng, thi thể không nguyên vẹn, số cán bộ, chiến sĩ tham gia xử bắn nhiều bị án hầu hết bị chấn động về tâm lý.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của ĐBQH TP Hà Nội đơn vị số 1 sáng 4/5, cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) cho rằng, về xử lý phạm nhân án tử hình, với việc tiêm thuốc như hiện nay gây tốn kém ngân sách mà thời gian chờ đợi quá lâu, trong khi tồn đọng tử tù lớn gây nghi ngờ trong xã hội.

Ông nói: "Tại sao chúng ta không dùng phương pháp rất đơn giản và hiệu quả nhất là lá ngón, đỡ tốn kém lại không gây ám ảnh với người thi hành án".

Từ kiến nghị trên nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao phải dùng 3 loại thuốc độc thực hiện từng bước? Dùng lá ngón có được không? Pháp luật quy định như thế nào về thi hành án tử bằng tiêm thuốc độc?

Kiến nghị sử dụng lá ngón để tử hình phạm nhân cho tiết kiệm là chưa phù hợp? - Ảnh 1.

Cây lá ngón mọc rất nhiều ở vùng cao. (Ảnh: Phạm Mạnh Hưng/Báo Biên phòng).

3 loại thuốc độc dùng để tử hình

Việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc được thực hiện theo quy định tại Nghị định 82/2011/NĐ-CP và Nghị định 47/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2011/NĐ-CP.

Theo đó, một liều thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình gồm 3 loại: Thuốc làm mất trí giác; thuốc làm liệt hệ vận động; thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

Một liều thuốc gồm 3 loại thuốc nêu trên và dùng cho một người.

Thuốc do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thi hành hình phạt tử hình đối với người bị kết án.

Bộ Y tế được giao trách nhiệm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc theo kế hoạch dự trù thuốc hàng năm của 2 Bộ đảm nhiệm việc thi hành án nói trên.

Bộ Y tế cũng phải hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành danh mục, liều lượng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình.

Nghị định cũng nhấn mạnh yêu cầu việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.

Tiêm thuốc độc cho tử tù để đảm bảo tính nhân đạo

Hình phạt nghiêm khắc nhất pháp luật nước ta áp dụng là tử hình nhằm răn đe, giáo dục mọi người thượng tôn pháp luật, trấn áp mạnh mẽ tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Việc thay thế hình thức xử bắn các phạm nhân bị tuyên án tử hình là thay đổi quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp nước ta, thể hiện sự văn minh và nhân đạo của pháp luật.

Áp dụng thi hành án bằng tiêm thuốc độc sẽ làm giảm những hạn chế của hình thức xử bắn, đó là người bị kết án tử hình đau đớn và kinh hoàng, thi thể không nguyên vẹn, số cán bộ, chiến sĩ tham gia xử bắn nhiều bị án hầu hết bị chấn động về tâm lý.

Nghị định 47/2013 quy định việc tiêm thuốc có thể tiến hành theo phương pháp tự động hoặc trực tiếp. Và cơ quan thi hành án hình sự đã chọn phương pháp tiêm thuốc tự động.

Theo đó, ống truyền thuốc được gắn vào một thiết bị có nhiều nút bấm. Những cán bộ tiến hành thi hành án tử sẽ cùng lúc bấm vào những nút trên nhưng trong đó chỉ có một nút bấm có tác dụng tiêm thuốc cho tử tù. Điều này giúp cho những cán bộ thi hành án giảm được gánh nặng về tâm lý.

Trên thế giới, trong gần 80 nước đang áp dụng án tử hình, có hơn 30 nước áp dụng hình thức tiêm thuốc độc. Tiêm thuốc độc bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn, phù hợp tâm lý Á Ðông, gia đình xin nhận xác bị án về mai táng... Chủ trương này cũng thể hiện sự đối xử rất tình người, ngay cả khi tử tù đã bị tước đi quyền sống.

Cơ chế chết bằng tiêm thuốc độc là làm cho người nhận án tử đi vào trạng thái ngủ, sau đó làm ngừng thở và tim ngừng đập. Thường những người bị thi hành án tủ sẽ chết trong vòng từ 10 đến 15 phút sau khi bị tiêm thuốc độc. Cách tử hình này không tạo ra những hình ảnh bạo liệt như máu chảy, phạm nhân gào thét vì đau đớn.

Lá ngón giết người như thế nào?

Lá ngón được gọi với nhiều tên như: Câu vẫn, Hoàng đằng, Đoạn trường thảo, Co ngón, Hồ mạn trường, Hồ mạn đằng, Thuốc rút ruột,… Lá ngón thuộc họ mã tiền, có tên khoa học là Gelsemium elegans Benth.

Thành phần có thể giết người trong loại cây này là các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây.

Alkaloid trong lá ngón được hấp thu rất nhanh qua đường tiêu hóa chỉ từ 5-30 phút. Thời gian tử vong trung bình từ 1-7,5 giờ.

Alkaloid là những hợp chất hữu cơ có chứa dị vòng nitơ, có tính bazơ, thường gặp ở trong nhiều loài thực vật và đôi khi còn tìm thấy trong một vài loài động vật.

Đặc biệt, alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid là chất độc gây chết người.

Nghiên cứu duy nhất về lá ngón tiến hành tại khoa Sinh, Đại học Đà Lạt, cho thấy giã lá ngón thành nước (10g lá , 10ml nước) cho chuột uống 3 giọt, sau 9 phút chuột chết vì co giật.

Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

Như vậy, có thể thấy kiến nghị tử hình bằng lá ngón là chưa phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp nước ta, thể hiện sự văn minh và nhân đạo của pháp luật.

Đặc điểm nhận dạng cây lá ngón

Theo các tài liệu cổ, lá ngón là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, trên thân hơi có khía dọc. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi từ, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm. Hoa mọc thành chùm ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Mùa hoa tháng 6, 8, 10. Quả là một nang, màu nâu hình thon, dài một cm, rộng 0,5 cm. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng màu nâu nhạt, hình thận.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.