Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đa số các giáo viên dạy môn Lịch sử ở Hà Nội cho biết tâm lý đều sẵn sàng kề vai sát cánh cùng các em học sinh lớp 9 và không có gì quá sức đối với giáo viên và học sinh vì trường đã triển khai chương trình giảng dạy đều tất cả các môn học từ đầu năm.
Năm học 2019, là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông theo hình thức mới, chỉ dựa vào kết quả thi tuyển, thay vì kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển học bạ như các năm trước đây.
Môn Lịch sử đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chính thức chọn làm môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020, bên cạnh các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
Giáo viên và học sinh đã sẵn sàng cho môn thi Lịch sử
Sau khi Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội chọn môn Lịch sử là môn thi thứ 4 vào các trường công lập trên địa bàn Hà Nội, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có một số ghi nhận ở một số điểm trường trong nội thành Hà Nội thì thấy các điểm trường đã triển khai ngay các phương án giảng dạy tập trung và ôn tập môn Lịch sử cho học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên môn Lịch sử Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết:
“Do Lịch sử là môn ít tiết nên 1 giáo viên sẽ phải dạy nhiều lớp. Đây cũng là điểm chung của nhiều trường.
Toàn bộ 6 môn thi dự kiến nằm trong danh sách lựa chọn đã được nhà trường xây dựng xong bộ câu hỏi trắc nghiệm.
Vì thế, dù lựa chọn bất kỳ môn thi nào thì cả giáo viên và học sinh cũng không cảm thấy bất ngờ và khó khăn.
Về phía Ban Giám hiệu nhà trường cũng đã có chỉ đạo xây dựng xong đề cương ôn tập môn Lịch sử cho cả năm.
Mặc dù là một giáo viên dạy lịch sử đảm nhiệm nhiều lớp, song do đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nội dung và hình thức ôn tập, hình thức thi ngay từ đầu năm học nên cả giáo viên và học sinh đều không cảm thấy bỡ ngỡ và nặng nề khi môn Lịch sử được lựa chọn là môn thi thứ tư”.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy có chia sẻ thêm: “Môn lịch sử dự kiến ôn tập theo tỷ lệ 30% lịch sử thế giới, 70% lịch sử Việt Nam theo kiến thức ở sách giáo khoa, chủ yếu ôn tập kiến thức của lịch sử lớp 9 và lồng ghép các chương trình có liên quan trong quá trình học ở bậc trung học cơ sở”.
Thầy giáo Nguyễn Đức Vượng, dạy môn Lịch sử Trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh luôn sẵn sàng kề vai sát cánh cùng với các em học sinh lớp 9 học và ôn thi. Ảnh: Công Tiến
Thầy giáo Nguyễn Đức Vượng, Giáo viên môn Lịch sử Trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam:
“Trước và sau khi có thông tin chọn môn Lịch sử để thi vào lớp 10, tâm lý của giáo viên các môn cùng học sinh đều sẵn sàng cho kỳ thi chuyển cấp.
Đến nay nhà trường đã và đang làm mọi công tác chuẩn bị giúp các em học sinh bước vào kỳ thi an toàn và đạt kết quả tốt nhất.
Riêng môn Lịch sử, giáo viên đã chuẩn bị các câu hỏi trắc nghiệm cho từng bài từ đầu năm, chủ yếu học theo sách giáo khoa và ôn từ lịch sử thế giới rồi tới lịch sử Việt Nam.
Cá nhân tôi sẽ hướng các em học sinh ôn thi theo dạng sơ đồ hóa, như vậy sẽ giúp các em dễ học và sẽ nhớ lâu hơn, tiếp sau sẽ ôn luyện tổng quan.
Sau khi học xong hết các chương trình tôi sẽ hướng dẫn các em làm các bài thi trắc nghiệm được sắp xếp theo dạng đề mẫu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành cho các em đỡ bỡ ngỡ khi thi”.
Thầy có chia sẻ thêm về tinh thần của học sinh lớp 9 Trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh:
“Sau khi có thông tin môn lịch sử là môn thi thứ 4 để thi tuyển vào các trường công lập ở Hà Nội, hầu hết các em học sinh đều vui vẻ đón nhận và sẵn sàng bắt tay vào học tập và ôn luyện với thái độ rất tốt”.
Kinh nghiệm về cách học và thi môn lịch sử đạt hiệu quả cao
Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ phỏng vấn một số học sinh đạt thành tích cấp quốc gia môn Lịch sử để chia sẻ tới bạn đọc, phụ huynh và các em học sinh về kỹ năng học và thi tốt môn Lịch sử.
Em Mông Cẩm Tú, giải Nhì quốc gia môn Lịch sử có gửi gắm kinh nghiệm học tập và ôn thi môn Lịch sử cho các em học sinh lớp 9 vào 10. Ảnh: Công Tiến |
Em Mông Cẩm Tú, giải Nhì quốc gia môn Lịch sử có gửi gắm kinh nghiệm cho các em học sinh thi vào lớp 10 như sau:
“Muốn học và thi đạt kết quả cao môn thì trước tiên các em học sinh phải đặt mục tiêu. Mục tiêu các em học sinh lớp 9 nên hướng tới trong giai đoạn này là phải nắm được kiến thức nền tảng từ đó mới ôn luyện làm đề nâng cao điểm số, xây từ gốc lên đến ngọn.
Vì Sử đặc thù là môn có nhiều sự kiện, nhiều thông tin nếu không từ từ học một cách khoa học từng phần thì đến giai đoạn cuối cùng với áp lực thi cử, các em sẽ không thể nắm vững hết kiến thức và đạt điểm cao.
Trước tiên các em không nên lao vào luyện đề ngay, nên đọc kỹ sách giáo khoa vì nó là tài liệu chính thống và cơ bản nhất, sau đó tham khảo các sách và tài liệu tham khảo, tự tổng hợp lại kiến thức theo từng giai đoạn lịch sử.
Cách để ghi nhớ kiến thức nền tảng là đọc nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại nhiều lần, tìm kiếm thêm những thông tin xung quanh sự kiện lịch sử đó trên Internet, trên ti vi, gạch các ý chính rồi phát triển ra theo mô hình sơ đồ cây.
Thường xuyên tự ôn tập lại những kiến thức đã học được mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng. Khi đã ghi nhớ được, nên thường xuyên vấn đáp với bạn bè và thầy cô để củng cố lại.
Đến cuối chương trình học, các em nên tích cực luyện đề thi, tìm kiếm nhiều dạng đề khác nhau từ các sách tham khảo, từ một số trang web ôn thi uy tín, facebook của một số giảng viên, giáo sư Lịch sử đầu ngành.
Việc làm đề thi này sẽ giúp các em quen thuộc với dạng câu hỏi, củng cố lại kiến thức nền tảng đã học”.
Em Phan Như Quỳnh, giải Nhì quốc gia môn Lịch sử năm học 2017 - 2018 có gửi gắm kinh nghiệm cho các em học sinh thi vào 10 như sau:“Các em học sinh phải thật chăm ghi chép bài trên lớp, chú ý lắng nghe bài giảng từ thầy cô để có thể hiểu ngay ở lớp, ghi chép bài theo ý hiểu của mình, có thể viết tắt và bỏ bớt những từ không quan trọng, có thể ghi chú các sự kiện lịch sử quan trọng vào một cuốn sổ tay và sắp xếp theo trình tự thời gian.
Khi học thuộc không nên học nhiều chữ, nếu có thể các em khái quát bài học thành dạng sơ đồ hóa hoặc học bằng hình vẽ, bởi vì học bằng chữ thường nhanh quên, học bằng hình thường sẽ nhớ lâu hơn.
Muốn học tốt môn Lịch sử quan trọng hơn cả là các em cần phải chăm đọc và sắp xếp thời gian học tập một cách thật khoa học với cả ba môn còn lại và chú ý giữ gìn sức khỏe”.
Thi tuyển vào lớp 10 năm 2019, học sinh sẽ tránh học lệch và học tủ
Với mục tiêu loại bỏ tình trạng học lệch, học tủ trong học sinh ở cấp trung học cơ sở, chuẩn bị kiến thức đồng đều cho cấp học trung học phổ thông, phương án thi tuyển 4 môn tại kỳ thi vào lớp 10 đã được lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lựa chọn.
Qua hơn 10 năm, phương án xét tuyển kết hợp thi tuyển hai môn Toán, Ngữ văn được áp dụng từ năm học 2005 - 2006, phương án này sẽ tạo hiện tượng học lệch, nhiều học sinh chỉ chú trọng hai môn thi và xem nhẹ các môn khác, chưa đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc trung học cơ sở.
Theo ghi nhận từ phía Ban Giám hiệu các nhà trường cho thấy, ngay từ đầu năm, các trường trên địa bàn Hà Nội đã yêu cầu giáo viên các bộ môn tập trung dạy chắc kiến thức cho học sinh.
Nhiều trường đã chủ động cho học sinh làm quen với hình thức kiểm tra, thi trắc nghiệm. Cả 6 môn học đã được xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm với hàng nghìn câu hỏi, tình huống.
Những điểm lưu ý về thời gian thi các môn và cách tính điểm
Theo thông báo từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập ở địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra từ 2-3/6/2019 với 4 môn thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử.
Đối với bài thi môn Toán và Ngữ văn sẽ tiến hành thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài.
Bài thi môn Ngoại ngữ sẽ thi theo hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận, thời gian làm bài 60 phút.
Bài thi của môn Lịch sử sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút.
Về phòng thi: trong một phòng thi sẽ có nhiều mã đề thi để đảm bảo nguyên tắc hai thí sinh ngồi liền kề nhau mà không trùng mã đề.
Chấm điểm bằng phần mềm máy tính bài thi trắc nghiệm: thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm, kết quả bài thi của thí sinh trên phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính.
Cách tính tổng số điểm: tổng điểm vào trường được tính là tổng điểm của môn Toán và môn Ngữ văn nhân đôi cộng với điểm thi hai môn Ngoại ngữ, Lịch sử, điểm cộng thêm theo diện ưu tiên theo quy định (nếu có).
Điểm bài thi của các môn được tính theo thang điểm 10. Học sinh phải có đủ bài thi theo quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức hủy kết quả bài thi, các bài thi đều đạt điểm lớn hơn 2.