Lãi quý III Viglacera tăng trưởng nhờ mảng BĐS KCN, chi hơn 4.200 tỷ đồng cho các dự án KCN

Theo Viglacera, quý III, mảng BĐS KCN đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng lợi nhuận, bên cạnh mảng VLXD. Cuối quý III, công ty ghi nhận khoảng 4.260 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án KCN.

Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VGC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 với doanh thu thuần 3.212 tỷ đồng và lãi sau thuế 265 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 27% so với cùng kỳ. 

Trong đó, theo Viglacera, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp (KCN) đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý.

Lũy kế 3 quý kinh doanh, công ty đạt doanh thu thuần 11.313 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu thuần là từ dịch vụ cho thuê bất động sản, hạ tầng KCN 2.759 tỷ đồng, bên cạnh đó, công ty cũng thu 1.012 tỷ đồng từ bán hàng hóa bất động sản và doanh thu từ bán gạch ốp lát, sản phẩm kính, gương,...

Biên lợi nhuận gộp tăng từ 26% cùng kỳ lên 31%, lợi nhuận gộp cũng tăng 77% lên 3.525 tỷ đồng. 

 KQKD của Viglacera. (Nguồn: BCTC doanh nghiệp, Hiền Minh tổng hợp). 

Bên cạnh đó, công ty cũng ghi nhận doanh thu tài chính, lãi trong công ty liên doanh, liên kết và lãi khác tăng so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước và sau thuế của Viglacera lần lượt đạt gần 2.049 tỷ đồng và gần 1.710 tỷ đồng, tăng 96% và 104% so với cùng kỳ. 

Năm nay, công ty đạt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.700 tỷ đồng, như vậy, sau 9 tháng, công ty đã vượt 21% kế hoạch năm. 

Ngoài ra, tại thời điểm cuối quý III, doanh thu chưa thực hiện của công ty đạt 2.782 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu năm, đều là doanh thu nhận trước từ hoạt động cho thuê bất động sản và doanh thu chưa thực hiện khác. 

Công ty cũng có 2.409 tỷ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn, giảm 28%.

Mặt khác, tài sản dở dang dài hạn đạt 4.882 tỷ đồng, là chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án, trong đó, tổng chi phí tại các dự án KCN như Yên Mỹ, Yên Phong II C, Thuận Thành giai đoạn I, Phú Hà giai đoạn I,... là khoảng 4.260 tỷ đồng.

 Chi tiết danh mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án của Viglacera tại cuối quý III. (Nguồn: BCTC doanh nghiệp). 

Ở diễn biến khác, nhờ dòng tiền từ lợi nhuận, trong 9 tháng, công ty đã tăng các khoản phải thu, tăng hàng tồn kho, giảm các khoản phải trả và duy trì dòng tiền kinh doanh dương hơn 1.966 tỷ đồng. 

Mặt khác, dòng tiền tài chính âm 297 tỷ đồng, dòng tiền đầu tư cũng âm 1.917 tỷ đồng, chủ yếu do khoản chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản khác. Do đó, dòng tiền thuần của Viglacera âm hơn 248 tỷ đồng. 

Tài sản cố định cũng là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của Viglacera tại thời điểm cuối quý III, với gần 5.497 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, các khoản mục ghi nhận giá trị nghìn tỷ của Viglacera còn có hàng tồn kho (4.296 tỷ đồng), các khoản phải thu (ngắn và dài hạn) (1.666 tỷ đồng), tiền mặt (3.005 tỷ đồng),... đa phần tăng so với đầu năm.

Qua đó, tổng tài sản cũng tăng 5% lên 23.127 tỷ đồng. 

Về phần nợ tài chính, tại thời điểm cuối quý III, dư nợ đạt 3.615 tỷ đồng, tăng 13%. Trong kỳ, công ty đã thu 4.786 tỷ đồng từ đi vay và chi gần 4.010 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, 352 tỷ đồng trả nợ gốc thuê tài chính. 

Tag:
chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.