Trái ngược với thời điểm cách đây một năm, khi lãi suất tiết kiệm tăng nóng khiến dòng tiền trong dân chảy mạnh vào ngân hàng; giai đoạn này lãi suất tiết kiệm lại đang ghi nhận đà giảm trên diện rộng.
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngân hàng 2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) diễn ra mới đây, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2023 là chưa có tiền lệ khi đi ngược với xu hướng thắt chặt tiền tệ chung của thế giới.
Theo đó, NHNN đã liên tục 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng hơn 2,0%/năm so với cuối năm 2022.
"Lãi suất đã giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết lãi suất không thể thấp hơn được nữa", Phó Thống đốc cho hay.
Ở khối Big 4 ngân hàng, ngay đầu năm, Agribank đã công bố biểu lãi suất tiền gửi mới nhất dành cho khách hàng cá nhân là từ 2 - 5,3%/năm. Trong khi đó, đầu tháng 12/2023, biểu lãi suất này dao động 3 - 5,3%/năm.
Ngày 2/1, BIDV công bố biểu lãi suất tiền gửi khoảng 2,2 - 5,3%/năm. Trong đó, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng sẽ hưởng lãi suất thấp hơn tháng trước 0,8%/năm, ở mức 3,5%/năm.
Cuối năm ngoái, Vietinbank điều chỉnh giảm lãi suất 0,4 - 0,5%/năm tại các kỳ hạn dưới 12 tháng vào ngày 27/12/2023. Lãi suất tiền gửi cao nhất ở mức 5,3% với kỳ hạn từ 26 tháng trở lên.
Còn ở Vietcombank, ngày 25/12/2023, lãi suất tiền gửi dưới 1 năm tại đây dao động 1,9 - 3,2%/năm. Thời điểm đó, mức lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 12 tháng của Vietcombank đều đang ở mức thấp nhất trong ngành ngân hàng cũng như trong lịch sử của nhà băng này.
Một số cái tên ở khối ngân hàng tư nhân cũng có động thái tương tự, như Saigonbank, Indovina Bank hay OceanBank...
TS. Phạm Anh Khôi, Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng FERI từng nhận định, cuối năm 2023 (lúc lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn) sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không.
Hai kịch bản có thể xảy ra. Một là, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục thì có thể nguồn tiền này vẫn tiếp tục ở lại hệ thống ngân hàng, chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn.
Hai là, lãi suất huy động giảm xuống mức 6 - 7% vào thời điểm cuối năm nay, nguồn tiền rẻ này có thể quay trở lại thị trường. Khi dòng tiền quay trở lại thị trường, nhiều người sẽ tìm đến các kênh đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn so với kênh gửi tiết kiệm.
Trong bối cảnh này, nếu nhìn lại quá khứ, thông thường thị trường chứng khoán sẽ tăng trưởng trước, sau đó sẽ đến thị trường bất động sản.
Nhìn chung trong cả năm 2023, lãi suất tiết kiệm đã có xu hướng giảm mạnh xuống mức thấp lịch sử, tuy nhiên lượng tiền gửi ngân hàng vẫn tiếp tục tăng.
Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9/2023, tổng số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với cuối năm 2022.
Trong đó, số dư tiền gửi của dân cư là 6,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với thời điểm cuối năm 2022. Số dư tiền gửi của tổ chức kinh tế nhích thêm 4,65%, lên 6,23 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi của dân cư đã tăng thêm gần 583.500 tỷ đồng từ đầu năm, trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 276.900 tỷ đồng. Mức tăng trong 9 tháng đầu năm 2023 cao gần bằng so với tăng trưởng tiền gửi của cả năm 2022.
Tại một tọa đàm diễn ra mới đây, TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia đã phát biểu: "Nhiều doanh nghiệp đang khát vốn, thiếu tiền. Trong khi đó, nhân dân và một số doanh nghiệp khác thì lại thừa tiền.
Có thể nói thời gian qua lượng tiền gửi ngân hàng đã tăng nhanh nhất trong một vài năm trở lại đây. Đến cuối năm 2023, bất chấp lãi suất hạ xuống mức rất thấp, nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục đổ tiền vào các ngân hàng".
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Anh Quê - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, trong nửa cuối năm 2023, người dân vẫn chủ yếu lựa chọn tiền gửi ngân hàng làm kênh đầu tư ưa thích và điều này có thể còn tiếp diễn đến hết quý I/2024.
Trong bối cảnh nền kinh tế - chính trị còn nhiều biến động như hiện tại, sức hấp dẫn từ đầu tư bất động sản là chưa đủ để kích thích dòng tiền nhàn rỗi trong dân chảy từ nhà băng sang trú ẩn tại thị trường này.
"Theo tôi, từ quý III/2023 đến hết quý I/2024, người dân vẫn sẽ chủ yếu lựa chọn tiền gửi ngân hàng làm kênh đầu tư chính. Có 3 lý do chính làm cơ sở cho dự đoán này.
Thứ nhất, niềm tin của nhà đầu tư vào bất động sản chưa hoàn toàn hồi phục. Thứ hai, các biến động, rủi ro liên quan đến yếu tố chính trị trên thế giới vẫn tác động đến nền kinh tế của các quốc gia. Cuối cùng là Fed vẫn chưa thông báo thời gian hạ lãi suất cụ thể mà chỉ dự kiến trong năm 2024 có thể hạ 3 lần.
Khi nào Fed hạ lãi suất, các ngân hàng trên thế giới hạ lãi suất, dòng tiền được bơm ra thị trường, chính trị được ổn định thì chỉ số niềm tin của người dân mới tốt lên. Lúc đấy, mọi người sẽ đầu tư sôi nổi hơn vào hoạt động kinh doanh sản xuất hay các kênh khác như bất động sản, chứng khoản,...
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng trong thời điểm này cũng vẫn có những nhà đầu tư "đi tắt, đón đầu" trên thị trường. Song, tỷ lệ này là rất ít và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro", ông Quê nói.
Còn dưới góc nhìn của ông Phạm Anh Khôi, trong bối cảnh hiện nay, phần lớn nhà đầu tư sẽ chấp nhận lợi nhuận ở mức thấp hơn. Dù lãi suất tiền gửi đang hạ xuống ngưỡng 3 - 5%, song suy đi tính lại, nếu nhìn sang các kênh đầu tư khác thì hầu như cũng đều đang tắc nghẽn, không nhiều triển vọng.
Đầu tư bất động sản còn khó khăn, đầu tư chứng khoán đang nhiều rủi ro, giá vàng vừa rồi đã lên khá nhanh… Nói chung trong năm 2024, nhà đầu tư cũng khó có thể tìm kênh đầu tư thay thế tiền gửi ngân hàng nên họ sẽ chấp nhận mức lãi suất thấp.