Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 02 yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kì tháng 3/2020 vừa diễn ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, có 20 tổ chức tín dụng đồng thuận rất cao là giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch.
Khảo sát các ngân hàng trong hệ thống, đến nay, một loạt nhà băng đã công bố các gói hỗ trợ với mức giảm lãi suất cho vay khá hấp dẫn, tối đa lên đến 4,5%/năm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ngân hàng có lợi nhuận cao nhất hệ thống hiện nay là Vietcombank cho biết sắp tung ra gói tín dụng 30.000 tỉ đồng với lãi suất giảm 2-2,5%, so với mặt bằng hiện nay để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Nhà băng này cho biết gói hỗ trợ sẽ ưu tiên các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu, với mức giảm tối đa tới 2,5%/năm và mức lãi suất áp dụng chỉ 4,5-5%/năm.
Theo Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, ngân hàng sẽ kéo dài chính sách giảm lãi suất 1-1,5% đối với dư nợ hiện hữu đến ngày 30/9, thay vì ngày 30/4 như dự kiến trước đây. Lợi nhuận Vietcombank ước tính giảm 300 tỉ đồng trong năm tài chính 2020 cho chính sách này.
Agribank đưa ra gói ưu đãi lãi suất quy mô khoảng 100.000 tỉ đồng, hỗ trợ giảm lãi suất thêm 2%/năm đối với các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Chính sách mới này của Agribank được thực hiện từ ngày 1/4.
Vietinbank cho biết ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay 2% đối với các doanh nghiệp, người dân, và đặc biệt có thể cao hơn đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.
Theo thống kê của Vietinbank, có khoảng 4.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ tín dụng trên 200.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng. Ngân hàng đã cơ cấu được 350 khách hàng với dư nợ 18.000 tỉ đồng.
BIDV cũng đã tung gói tín dụng 125.000 tỉ đồng để giải ngân cho khách vay vốn trong giai đoạn này. Các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong ngành nghề bị ảnh hưởng nặng như vận tải, hàng không, khách sạn, du lịch, dịch vụ ăn uống... sẽ được giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2%/năm.
Các nhà băng khác cũng đưa ra nhiều ưu đãi giảm lãi suất cho vay, đáng chú ý là áp dụng cho tất cả đối tượng khách hàng, không giới hạn chỉ những người hoặc doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bắt đầu từ ngày 1/4, VIB mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5-2% trong 6 tháng, cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực. Gói hỗ trợ áp dụng cho tất cả các khoản vay trung dài hạn bằng tiền VNĐ (trừ trái phiếu) có lãi suất hiện hữu từ 9,5%.
"Ngân hàng sẽ tự động giảm lãi mà không cần doanh nghiệp phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kì khó khăn nào gặp phải, hi vọng đã đóng góp một phần cùng cộng đồng vượt qua ảnh hưởng của đại dịch", đại diện ngân hàng cho biết.
Ước tính, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỉ đồng dư nợ được hưởng hỗ trợ.
Cũng không giới hạn đối tượng được hưởng ưu đãi cho vay là HDBank. Ngân hàng tung gói giảm lãi suất vay từ 2% và tối đa đến 4,5%. Thời gian gói hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 31/3/2020.
HDBank cũng tự động giảm lãi suất mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ, hay chứng minh khó khăn mình gặp phải, đồng thời cũng miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.
Tại VPBank, ngân hàng này tung gói hỗ trợ giảm lãi suất đến 2% cho doanh nghiệp gặp khó khăn mùa dịch. Đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm.
TPBank cũng có gói 5.000 tỉ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng gói 4.000 tỉ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, ngân hàng này còn dành 3.000 tỉ cho khách hàng cá nhân, với mức lãi suất ưu đãi giảm 1,5-2,5% so với mức lãi suất hiện hành.
ACB triển khai gói 10.000 tỉ đồng từ ngày 31/3, dành cho các khách hàng đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh do dịch Covid-19. Lãi suất với khách hàng tham gia gói vay này cũng giảm 2% so với mặt bằng lãi vay năm 2019, với thời gian cho vay từ 36-48 tháng.
Ở nhóm các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, SHB vừa triển khai gói tín dụng quy mô 25.000 tỉ đồng với nhiều ưu đãi về lãi suất cho vay, phí dịch vụ ngân hàng, đặc biệt giảm lãi suất cho vay tối thiểu 2%/năm so với lãi suất thông thường cho các khách hàng hiện hữu gặp khó khăn bởi dịch.
Ngoài các gói ưu đãi lãi suất, SHB vẫn tiếp tục triển khai các phương án cơ cấu nợ, giãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như các phương án miễn giảm lãi, phí đối với khách hàng gặp khó khăn.
Nam A Bank cũng tiếp tục giảm lãi vay lên đến 2% hiện hành đối với các khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Kienlong Bank giảm 3%/năm lãi suất cho vay so với mức lãi suất đang áp dụng theo thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã kí kết, đối với cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp từ ngày 1/4 đến hết tháng 6/2020.
Với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, ngân hàng này ưu tiên khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng hạn mặn tại 5 tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp, là Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang và Long An.
LienVietPostBank áp dụng lãi suất ưu đãi để phục vụ sản xuất kinh doanh cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp. Các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lãi suất vay ưu đãi từ 7%/năm, thời gian vay tối đa 12 tháng.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020