ĐB Lê Công Nhường. |
Về môi trường kinh doanh, ĐB Lê Công Nhường cho rằng, điều kiện kinh doanh, giấy phép con làm khó doanh nghiệp (DN) hiện còn có tới 5.719 điều kiện được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Chưa kể các đoàn kiểm tra gây phiền hà DN, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 của Chính phủ, có DN một năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm toán cùng với nhiều đợt kiểm tra không chính thức khác.
DN cũng phản ánh, các cuộc thanh, kiểm tra có những nội dung trùng lắp, chồng chéo. “Đây là điển hình của câu nói “phép vua thua lệ làng” hay như có câu nói: Chính phủ thì ngày càng kiến tạo còn đội ngũ thực thi thì “hành” ngày càng bạo”, ĐB Nhường nói.
Theo ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), báo cáo của Chính phủ đã nêu nhiều kết quả quan trọng, song “lạc quan nhưng không được chủ quan”. Bởi vì, bên cạnh những khuyết tật của nền kinh tế nhiều năm qua chậm được khắc phục, thì năm nay lại phải đối diện với những thách thức mới.
Ông Thắng dẫn dụ, giá thịt heo giảm mạnh, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, gây tổn hại nặng nề cho người chăn nuôi. Hay như 10 tháng đầu năm đã có hơn 10 nghìn DN mới thành lập nhưng gần 60% số đó ngừng hoạt động hoặc đang làm thủ tục giải thể. Hay bất cập từ các dự án BOT “như giọt nước tràn ly” làm méo mó hình thức đầu tư được đặt nhiều kỳ vọng. Tất cả các vấn đề nêu trên cần được “giải phẫu” để có giải pháp khắc phục.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. |
Năm 2020, giải quyết triệt để 12 dự án
Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, kế hoạch thực hiện năm 2018 cùng phần giải trình của nhiều bộ trưởng. Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời ý kiến của đại biểu (ĐB) Nguyễn Sỹ Cương về công tác quản lý thị trường đã nêu ra trước đó.
Bộ trưởng thừa nhận khung khổ pháp luật, các cơ chế, chính sách, chế tài với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại chưa đủ mạnh, dẫn đến hiện tượng “nhờn” luật. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các lực lượng chống buôn lậu chưa chặt chẽ, thường xuyên. Từ đó, hiệu quả đấu tranh của lực lượng liên ngành còn yếu.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, một trong những nhiệm vụ lớn cần tập trung trong thời gian tới là tiếp tục tăng cường hơn nữa việc phối hợp các lực lượng liên ngành để đấu tranh chống các tổ chức buôn lậu quy mô lớn, tinh vi. “Tại kỳ họp vừa rồi, Quốc hội đã thông qua, cho phép xem xét trách nhiệm hình sự nếu buôn lậu trên 1.500 điếu thuốc lá. Đây là cơ sở rất quan trọng”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Liên quan đến 12 dự án tồn đọng và đang xử lý, Bộ trưởng Tuấn Anh cho rằng để giải quyết, cần làm một cách đồng bộ. Trong đó, ngoài đánh giá tổng thể, tìm ra nguyên nhân, tiếp tục ban hành các chính sách, các quy định, hướng dẫn thì cũng phải giải quyết triệt để sự vi phạm pháp luật của các tổ chức và cá nhân ở các cấp.
“Từ những bài học kinh nghiệm, chúng ta có biện pháp để giải quyết, ngăn chặn những vi phạm mới hoặc phát sinh những dự án mới không hiệu quả. Trên thực tế, Bộ Chính trị đã nghe và thống nhất với kiến nghị của Chính phủ là trong năm 2017, hoàn tất những việc chuẩn bị. Năm 2018, tập trung giải quyết về cơ bản những dự án tồn đọng và đến năm 2020, sẽ giải quyết triệt để toàn bộ, đồng bộ tất cả các khía cạnh và lĩnh vực”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.
ĐB Hoàng Đức Thắng. Ảnh: Như Ý. |
Loại bỏ cán bộ “làm việc từ từ”
Cũng theo ĐB Hoàng Đức Thắng, công tác bổ nhiệm cán bộ hiện nay là đề tài nóng của công luận. Trong xử lý, giải quyết một số vụ việc bổ nhiệm thần tốc, bổ nhiệm người nhà vừa qua, có hiện tượng không được truy xét đến cùng, còn xuê xoa, nể nang và nguy cơ “chìm xuồng”.
“Chúng tôi đề nghị cần có cuộc tổng điều tra, rà soát công tác cán bộ như kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Phải tạo ra một quy trình mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch, tin cậy để người tài được trọng dụng, những khuất tất phải được xem xét xử lý nghiêm túc”, ông Thắng đề nghị.
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) thì so sánh giữa tỉ lệ lao động thất nghiệp và chất lượng đội ngũ công chức yếu kém hiện nay.
“Tại sao công chức lại được công nhận là công chức suốt đời, dẫn đến tình trạng chạy đua bằng mọi cách để vào công chức? Khi vào rồi là được bao bọc suốt đời, cứ làm việc từ từ, đến tháng lĩnh lương, đến năm lên lương, đến tuổi về hưu, có bảo hiểm xã hội. Với lực lượng làm việc từ từ như vậy thì sao buộc bộ máy vận hành nhanh hơn, tốt hơn được?”, ĐB Hận đặt vấn đề.
Từ thực tế đó, theo ĐB Hận, đã đến lúc xem lại tính cạnh tranh trong công chức. Theo đó, tiến hành đánh giá lại công chức một cách thực chất chứ không phải quy trình mang tính hình thức như hiện nay. Từ đó loại ra khỏi bộ máy một số người không còn đủ điều kiện, không đáp ứng yêu cầu công việc và tuyển dụng đội ngũ công chức mới vào.
“Đây cũng có thể xem là một giải pháp đối với nạn thất nghiệp đã qua đào tạo, chống lãng phí chất xám, lãng phí nguồn nhân lực, tạo sự cạnh tranh, chọn được người nổi trội, tạo sự năng nổ trong thực hiện công việc”, ĐB Hận nêu quan điểm.