Là thủ đô của Việt Nam, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa ngay từ buổi đầu của lịch sử đất nước, Hà Nội trở thành một trong những điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Lịch sử hình thành và phát triển của Hà Nội gắn liền với bao biến động thăng trầm của đất nước. Nơi đây cũng từng là kinh đô của phần lớn các triều đại phong kiến của Việt Nam trước đây.
Hà Nội nằm chếch về phía Tây Bắc của khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, tiếp giáp với Thái Nguyên, Vĩnh Phúc về phía Bắc; Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía Đông; Hòa Bình, Phú Thọ phía Tây và Hà Nam, Hòa Bình về phía Nam.
Hà Nội - Thủ Đô Ngàn Năm Văn Hiến - Từ Góc Nhìn Flycam (Nguồn:Flycam 4K)
Tên gọi Hà Nội có từ thời điểm năm 1931, đời vua Minh Mạng. Lúc này, ông chia cả nước thành 29 tỉnh thành, trong đó có Hà Nội. Sau đợt mở rộng địa giới hành chính từ tháng 8/2008, Hà Nội hiện nay bao gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện ngoại thành. Cùng với Hồ Chí Minh, Hà Nội được biết đến như là trung tâm kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng của đất nước.
Thủ đô với bề dày lịch sử hào hùng này cũng được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” vào giữa năm 1999.
Lịch sử ra đời và phát triển của thủ đô Hà Nội trải qua rất nhiều biến cố thăng trầm khác nhau. Trong đó, có thể tóm tắt thành 5 thời kì chính, đó là:
Cách đây khoảng 2 vạn năm, trong giai đoạn của nền văn hóa Sơn Vi, nhiều di chỉ khảo cổ tại Cổ Loa đã cho thấy sự xuất hiện của con người quanh khu vực Hà Nội. Tiếp đến thế kỉ thứ III trước Công nguyên, Thục Phán đã lựa chọn Cổ Loa, nay là huyện Đông Anh, Hà Nội để đóng đô.
Sự kiện này ghi dấu lần đầu tiên, Hà Nội trở thành đô thị trung tâm về chính trị và xã hội của đất nước.
Trải qua khoảng thời gian gần 1000 năm Bắc thuộc, Cổ Loa một lần nữa trở thành kinh đô của nước Việt sau chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán vào năm 938.
Truyền thuyết kể lại rằng, vào năm 1010 khi tới thành Đại La, vua Lý Thái Tổ nhìn thấy một con rồng bay lên nên quyết định đặt tên kinh thành mới lúc đó là Thăng Long.
Đến thời nhà Trần, Thăng Long cùng với Thiên Trường là hai kinh đô quan trọng của Đại Việt lúc bấy giờ. Nơi này tiếp tục được xây dựng thêm các cung điện và Hoàng thành cũng được củng cố, hoàn thiện hơn. Đến cuối thế kỉ XIV, nhà Trần suy vong, Hồ Quý Ly lên thâu tóm quyền lực và di dời kinh đô về Thanh Hóa. Lúc này, Thăng Long được đổi thành Đông Đô, còn kinh đô mới mang tên Tây Đô.
Tới năm 1406, Đại Ngu rơi vào tay quân xâm lược nhà Minh, Thăng Long một lần nữa bị chiếm đóng và đổi tên thành Đông Quan. Thời kì này kéo dài đến tận năm 1428 sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thành công và nhà Lê được thành lập dưới thời Lê Lợi. Năm 1430, Đông Quan được mang tên mới là Đông Kinh.
Sau thời nhà Lê, nước ta tiếp tục trải qua giai đoạn Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi đến triều đại Tây Sơn. Đến năm 1802, nhà Tây Sơn sụp đổ, Gia Long lên ngôi vua và đóng đô ở Phú Xuân, Huế.
Đến năm 1931, vua Minh Mạng ra lệnh chia đất nước thành 29 tỉnh, trong đó Thăng Long thuộc Hà Nội. Hà Nội khi đó bao gồm 4 phủ và 15 huyện, nằm gọn giữa hai dòng sông là sông Hồng và sông Đáy. Đây cũng là dấu mốc cho sự xuất hiện của tên gọi Hà Nội.
Trong thời Pháp thuộc, Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Liên bang Đông Dương với một loạt các công trình nổi tiếng như Nhà bưu điện, Cầu Long Biên, Ga Hà Nội, Nhà hát lớn...
Sự kiện Nhật Bản tấn công Đông Dương vào năm 1940 đã mở đầu cho một thời kì lịch sử đầy biến cố đối với Hà Nội. Sau khi Nhật đảo chính Pháp rồi nhanh chóng đầu hàng quân Đồng Minh, lực lượng Việt Minh đã giành lấy quyền lực tại Việt Nam thông qua cuộc Cách mạng tháng Tám. Ngày 2/9/1945, Hà Nội được chọn là thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong bản tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba Đình lịch sử.
Sang đến cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Hà Nội cùng với những địa phương khác ở miền Bắc đã chịu những đòn tấn công nặng nề khi cuộc chiến leo thang và bước vào giai đoạn khốc liệt những năm 1972.
Bước ra từ cuộc chiến, Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí thủ đô của đất nước cho đến giai đoạn hiện tại. Thành phố nghìn năm văn hiến tiếp bước phát triển và trở thành một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa hàng đầu của cả nước.
Hà Nội từ lâu đã được khắc họa một cách sinh động qua những tác phẩm thơ ca, hội họa nổi tiếng trong và ngoài nước. Thành phố mang bề dày lịch sử này sở hữu cho mình vô số địa danh ấn tượng như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Lăng Hồ Chủ Tịch, Chùa Một Cột, Hồ Hoàn Kiếm…
Bên cạnh đó, rất nhiều địa điểm ngoại thành Hà Nội cũng được du khách gần xa yêu mến, quan tâm như Vườn quốc gia Ba Vì, Làng gốm Bát Tràng, Làng cổ Đường Lâm, Tam Đảo Vĩnh Phúc…
Còn với những bạn trẻ yêu thích nét cổ kính, lặng yên của Hà Nội thì Phố bích họa Phùng Hưng, Phố sách Đinh Lễ hay cầu Long Biên cũng là những địa điểm tham quan vô cùng hấp dẫn khi có cơ hội ghé thăm Hà Nội.