Phương án sử dụng điện một giá hay bậc thang đang là vấn đề được tranh luận trong thời gian gần đây, nhất là vào các tháng cao điểm sử dụng điện khi có nhiều khiếu nại về hoá đơn tiền điện.
Mới đây, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ bản dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong đó, đối với giá bán lẻ sinh hoạt, Bộ Công thương đã xây dựng đề xuất hai phương án lựa chọn cụ thể là theo phương án giá 5 bậc hoặc phương án được lựa chọn cả bậc thang và một giá.
Đặc biệt đối với phương án 2, người dùng có thể chuyển đổi giữa hai cách tính một giá và bậc thang tối thiểu là 12 tháng/lần. Bộ Công Thương đã đề xuất lên hai phương án 2A và 2B với mức điện một giá bằng 145% và 155% so với giá điện bình quân, tương ứng với 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh.
Tương ứng với mỗi phương án trên, giá điện tại bậc thang thứ 5 cũng được áp mức giá cao hơn nhằm khuyến khích người dân tiết kiệm điện năng.
Mức giá bán lẻ điện của các phương án đề xuất
Nhóm đối tượng khách hàng dùng điện sinh hoạt | Phương án 1 | Phương án 2A | Phương án 2B |
---|---|---|---|
1. Giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc | |||
Bậc 1: Từ 0 - 100 kWh | 1.678 | 1.678 | 1.678 |
Bậc 2: Từ 101 - 200 kWh | 2.014 | 2.014 | 2.014 |
Bậc 3: Từ 201 - 400 kWh | 2.629 | 2.629 | 2.629 |
Bậc 4: Từ 401 - 700 kWh | 2.983 | 2.983 | 2.983 |
Bậc 5: Từ 701 kWh trở lên | 3.132 | 5.109 | 3.449 |
2. Giá bán lẻ điện một giá | |||
Giá bán lẻ điện một giá | - | 2.703 | 2.889 |
Biểu giá điện bậc tháng hiện hành
Theo bảng bậc thang 5 bậc mới, bậc 1 và bậc 2 trong biểu giá điện cũ đã ghép lại làm một và vẫn giữ giá bán ở bậc thấp, điều này có vẻ như có lợi cho những hộ gia đình dùng điện dưới 200 kWh mỗi tháng. Đồng thời, đối với nhóm gia đình sử dụng từ 700 kWh hàng tháng trở lên sẽ bị áp mức giá cao hơn hẳn.
Tuy nhiên, khi tính toán cụ thể một gia đình sử dụng 200 kWh điện sẽ chỉ tiết kiệm được 2.800 đồng mỗi tháng nếu áp dụng theo biểu 5 bậc mới và phải chi trả thêm gần 170.000 đồng, tương đương gấp rưỡi tiền điện theo biểu hiện tại.
Bảng so sánh tiền điện theo các mức tiêu thụ nếu áp dụng các phương án khác nhau
Theo bảng thống kê trên đây, có thể nhận thấy người dùng chỉ có lợi khi lựa chọn điện một giá nếu mức tiêu thụ điện của họ từ 700 kWh trở lên và mức sử dụng càng nhiều thì càng có lợi hơn về giá.
Đáng chú ý, theo cho biết từ lãnh đạo Bộ Công Thương, số lượng khách hàng sử dụng từ 700 kWh chỉ chiếm 1,7% nhưng mức sử dụng điện sinh hoạt của họ chiếm khá cao với trên 10% tổng lượng điện.
Do đó, 98,2% lượng khách hàng của EVN sẽ có mức tiền điện không tăng hoặc giảm nhẹ nếu áp dụng biểu bậc thang 5 bậc mới nhưng cũng không hề có lợi nếu chọn mức một giá.
Trước sự việc giá điện tăng vọt và lượng điện tiêu thụ tăng đột biến trong giai đoạn nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 6 vừa rồi, đã có nhiều ý kiến phản hồi rằng nên áp dụng cách tính một giá điện để thuận tiện cho việc tính toán và giảm thiểu tính phức tạp.
Trên thực tế, đã có một số quốc gia trên thế giới đang áp dụng biểu giá điện một bậc. Đơn cử như Singapore đang áp dụng tính giá điện một giá nhưng với giá bán lẻ lên tới trên 24 cent/kWh (~ 5.000 VND/kWh), hay một số bang của Australia đang áp mức giá 30 cent/kWh (~ 4.800 VND/kWh).
Với biểu giá bán lẻ một giá điện trên dự thảo hiện nay, so với các nước trên thế giới, mức giá này đã rẻ hơn từ 2 - 2,5 lần.
Tuy nhiên, việc áp dụng cách tính một giá điện hay không vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc áp dụng một giá điện vào thời điểm này là điều chưa thể.
Ông Ngãi nhấn mạnh việc không ủng hộ áp dụng một giá điện, bởi theo cách tính này, người có nhiều tiền nếu lựa chọn điện một giá sẽ càng có lợi cho họ, dùng bao nhiêu số điện một tháng vẫn chỉ tính một mức giá.
"Tôi cho rằng việc này sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên điện năng, trong khi đó việc sản xuất điện là có hạn. Việc này sẽ khiến cho ngành điện lực phải chịu thua lỗ, giảm doanh thu, không có lợi cho ngành điện", ông Ngãi phân tích.
Trả lời báo Dân Trí, GS. Trần Văn Bình, Viện kinh tế quản lí, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng cho rằng phương án một giá điện chưa thể giải quyết được những vấn đề cơ bản xung quanh câu chuyện biểu giá điện. "Những khách hàng dùng ở mức thấp dùng giá điện bậc thang vẫn có lợi hơn so với việc dùng điện một giá", ông Bình nói.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc ấn định mức 145% và 155% đối với điện một giá so với giá điện bình quân là không hợp lí.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, phân tích vấn đề trên với Dân Trí như sau: So với giá bán lẻ bình quân là 1.864,44 đồng/kWh, người tiêu dùng sẽ phải trả khoảng 2.703 đồng/kWh - 2.890 đồng/kWh (chưa gồm VAT).
Có thể thấy các mức giá trên đều cao hơn giá bán lẻ bình quân. Điều này đã phá vỡ nguyên tắc cải tiến nhưng không được làm tăng giá bình quân.
Theo lộ trình Chính phủ đặt ra đối với thị trường điện Việt Nam, ba cấp độ thị trường cần phải thực hiện, đó là: Phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ cạnh tranh.
Trong vòng hai năm tới, thị trường điện sẽ phải bước vào thí điểm giai đoạn ba "Thị trường bán lẻ cạnh tranh", theo đó, điện một giá sẽ là một lựa chọn tương ứng, vì vậy Bộ Công Thương sẽ phải có các kế hoạch điều chỉnh bậc giá điện phù hợp.
TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh rằng nếu Bộ Công Thương muốn giảm số bậc thì cũng cần phải có lộ trình từ 6 bậc xuống 5 bậc, 3 bậc và cuối cùng là 1 bậc tương ứng với lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh năm 2024.
Hiện Bộ Công Thương vẫn đang lấy ý kiến cho dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Dự kiến biểu giá điện mới sẽ áp dụng kể từ đầu năm 2021.