Linh kiện đắt gấp 3 lần Thái Lan, ô tô Việt quá khó để giảm giá

Quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện rất nhỏ bé, các mẫu xe sản xuất lắp ráp trong nước lại đang bị giảm sản lượng. Nếu xe trong nước tiếp tục giảm sản lượng thì ngành công nghiệp ô tô khó phát triển.

Báo cáo của Nhóm công tác về ô tô xe máy, tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) cuối kì 2019 vừa qua, cho rằng ngành công nghiệp ô tô Việt Nam rất khó phát triển do sản lượng thấp, cùng với kinh nghiệm quản lí sản xuất của các nhà cung ứng trong nước và công nghiệp vật liệu chất lượng cao chưa có.

Chênh lệch lớn

Quy mô thị trường ô tô Việt Nam hiện rất nhỏ bé, mẫu xe có sản lượng lớn nhất là Toyota Vios mới chỉ đạt 27.000 chiếc/năm, bằng 1/8 của Thái Lan. Bất lợi về sản lượng khiến công nghiệp hỗ trợ gặp khó. Những linh kiện sản xuất tại Việt Nam có giá cao hơn các nước trong khu vực từ 2-3 lần.

Một số linh kiện nội địa hóa được, có chi phí sản xuất và chất lượng cạnh tranh so với nhập khẩu, song chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, hay giản đơn, sử dụng nhiều nhân công giá rẻ. Còn lại, phần lớn linh kiện và cụm linh kiện gặp vấn đề mức đầu tư lớn mà sản lượng lại nhỏ nên có giá thành cao.

Linh kiện đắt gấp 3 lần Thái Lan, ô tô Việt quá khó để giảm giá - Ảnh 1.

Nếu xe trong nước tiếp tục giảm sản lượng thì ngành công nghiệp ô tô khó phát triển.

Với sản phẩm là nắp bình xăng, nhà sản xuất trong nước báo giá gần 4 USD, cao hơn gấp đôi so với của Thái Lan. Chênh lệch chi phí từ 200-300% cũng áp dụng với các linh kiện nhựa, thậm chí còn lớn hơn với các linh kiện cao cấp. Ở Việt Nam, mọi mẫu xe đều có sản lượng thấp, vì vậy, đầu tư cho sản xuất linh kiện gặp bất lợi lớn, đại diện Toyota Việt Nam cho biết.

Công ty Enkei (Nhật Bản) đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007, trở thành nhà cung ứng linh kiện cho các DN như Toyota, Trường Hải, Honda, Nissan, Mitsubishi,... cho hay, sản phẩm chính của họ là vành đúc chỉ sản xuất khoảng 24.000 chiếc/tháng. 

Theo tính toán, công ty phải có đơn hàng ít nhất 100.000 chiếc/tháng mới đạt hiệu quả. Với đơn hàng thấp như hiện nay, mỗi chiếc vành làm ra giá thường cao hơn các nước trong khu vực từ 5-10%. Trong khi, ngành sản xuất linh kiện ô tô phải có đơn hàng đủ lớn mới có thể giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, đại diện công ty này nói.

Do sản lượng thấp nên chi phí khấu hao thiết bị trên một đơn vị sản xuất sẽ lớn. Vì vậy, giá linh kiện nhà sản xuất trong nước đưa ra thường cao hơn các sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài.

Việt Nam cũng chưa có ngành công nghiệp vật liệu chất lượng cao, nguyên vật liệu như thép, nhựa,... đều phải nhập khẩu. Chưa kể, kinh nghiệm và năng lực của nhà sản xuất còn thấp - nguyên nhân chính khiến Việt Nam gặp khó nếu muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Tương lai đầy thách thức

Trong khi đó, doanh số bán ô tô trong nước lại đang giảm. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), thị trường ô tô Việt Nam năm 2019 tăng trưởng 12% so với năm 2018. Trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc có mức tăng trưởng tới 82% thì xe sản xuất lắp ráp trong nước lại giảm 12% so với năm 2018.

Cụ thể, doanh số bán xe sản xuất lắp ráp của các thành viên VAMA năm 2018 đạt 215.704 chiếc các loại thì năm 2019 chỉ đạt 189.450 chiếc các loại.

Linh kiện đắt gấp 3 lần Thái Lan, ô tô Việt quá khó để giảm giá - Ảnh 2.

Sản lượng ô tô lắp ráp trong nước đang giảm.

Thị trường ô tô, nhất là phân khúc xe cá nhân, đang tăng trưởng tốt, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, xe nhập khẩu tràn về nhiều, ngày càng gây khó khăn cho sản xuất trong nước. Nhiều mẫu xe đã phải ngừng sản xuất lắp ráp trong nước để chuyển sang nhập khẩu. Những mẫu xe còn lại đều có sản lượng thấp, vì vậy, đầu tư cho sản xuất linh kiện gặp bất lợi lớn.

Nếu sản xuất linh kiện không phát triển thì công nghiệp ô tô Việt Nam khó thoát khỏi lắp ráp giản đơn. Theo ông Toru Kinoshita, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, để doanh nghiệp ô tô lẫn nhà cung ứng hào hứng gia tăng tỉ lệ nội địa hoá, yếu tố quan trọng nhất chính là sản lượng.

Trong bối cảnh hiện nay khi thuế nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm xuống 0% và sắp tới là châu Âu, Nhật Bản, Mexico,... thì việc đảm bảo xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng sản lượng và cạnh tranh được với xe nhập khẩu không hề dễ dàng, cần có các chính sách hỗ trợ hiệu quả.

Nhóm công tác về ô tô xe máy của VBF cho rằng, các hàng rào kĩ thuật hay hàng rào hành chính sẽ không thể giải quyết hiệu quả, và tạo ra sự cân bằng hợp lí giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc với xe lắp ráp trong nước, cũng như không tạo điều kiện phù hợp để thị trường phát triển lành mạnh. 

Chỉ có các giải pháp về thuế là nên được triển khai để tạo ra sức cạnh tranh cho xe trong nước về lâu dài. Thuế tiêu thụ đặc biệt đang soạn thảo trên cơ sở không áp dụng cho phần gia tăng trong nước có thể là giải pháp hợp lí.

Tuy nhiên, như đã nói, do sản lượng nhỏ và chi phí sản xuất linh kiện cao, nên các doanh nghiệp lắp ráp ô tô cũng khó có thể tìm mua được nhiều linh kiện tại chỗ với giá hợp lí, để giữ giá xe cạnh tranh. Với sản lượng như hiện nay, sẽ phải mất nhiều năm nữa ngành công nghiệp ô tô mới có thể khắc phục hết bất lợi để chuyển hóa thành lợi thế, nhưng thời gian thì không chờ đợi.

Năm 2019, thị trường ô tô Việt Nam đạt quy mô 430.000 xe các loại. Dự báo của các doanh nghiệp cho thấy thị trường ô tô năm 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng 15%, trong đó phân khúc xe con từ 9 chỗ ngồi trở xuống tăng trên 20%. Như vậy, thị trường ô tô năm nay có thể đạt quy mô 500.000 xe. 

Tuy nhiên, xe nhập khẩu vẫn đang có lợi thế áp đảo, nếu xe trong nước tiếp tục giảm sản lượng thì nhiều doanh nghiệp ô tô khó tránh khỏi rủi ro.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.