Lo cao tốc Bến Lức - Long Thành trễ hẹn, VEC 'cầu cứu' Bộ GTVT

Lo cao tốc Bến Lức - Long Thành trễ hẹn vì vướng GPMB, VEC đã "cầu cứu" Bộ GTVT nhằm đẩy nhanh việc bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Lo cao tốc Bến Lức - Long Thành trễ hẹn, VEC cầu cứu Bộ GTVT - Ảnh 1.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đang vướng GPMB. (Ảnh: VEC).

Lo cao tốc Bến Lức - Long Thành trễ hẹn vì vướng mặt bằng

Liên quan đến dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo thông tin chúng tôi nhận được, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) mới có đề xuất lên Bộ GTVT.

Cụ thể, VEC cho biết hiện tại, nguy cơ dự án trên trễ hẹn cán đích là hiện hữu khi có tới 142 hộ gia đình hiện chưa di dời để nhường mặt bằng.

Do đó, VEC đề xuất Bộ GTVT báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ có công điện gửi các địa phương liên quan yêu cầu đẩy nhanh và bàn giao diện tích mặt bằng còn lại trước 1/6/2019 để hoàn thành dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành theo kế hoạch.

VEC cũng cho biết, các vướng mắc mặt bằng chủ yếu thuộc đoạn tuyến sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB).

Cụ thể, tại TP HCM, đoạn tuyến qua huyện Bình Chánh còn 26 trường hợp chưa bàn giao, trong đó 6 trường hợp thuộc phạm vi Gói thầu A1 (nằm trên chính tuyến và đường dẫn Quốc lộ 1 vào/ra tuyến chính); 20 trường hợp thuộc phạm vi Gói thầu A2-2 (nằm trên tuyến chính và trên phạm vi cầu vượt Quốc lộ 50).

Về phía tỉnh Đồng Nai, VEC cho biết địa phương này hiện vẫn còn tồn 116 trường hợp (tương đương 18,17ha) chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, tập trung ở huyện Nhơn Trạch, với Gói thầu A5 còn vướng 3 trường hợp và Gói thầu A6 vướng 42 trường hợp.

"Gói thầu A7, nằm trên địa bàn huyện Long Thành, còn 71 trường hợp tại xã Phước Thái, với diện tích 5,03ha, chưa bàn giao", VEC cho hay.

Theo VEC, tình trạng chậm trễ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu có nguyên nhân do tòa án các cấp thụ lí các vụ khởi kiện/tranh chấp từ năm 2015 đến 2017chưa giải quyết được trường hợp nào; các thủ tục liên quan đến chính sách tái định cư, đơn giá bồi thường, loại đất… chưa được TP HCM xem xét chấp thuận. Việc cưỡng chế bàn giao mặt bằng chỉ được huyện Bình Chánh tiến hành sau ngày 15/5/2019 theo quy định.

Ngoài ra, đơn vị thẩm định giá do Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai thuê thẩm định giá đền bù chưa tổng hợp báo cáo Sở để đơn vị này báo cáo Ủy ban Nhân dân làm cơ sở giải quyết các khiếu nại liên quan đến đơn giá đền bù.

"Bên cạnh đó, các hộ dân mặt tiền QL51 đề xuất ngoài tiền đền bù được bố trí thêm một suất đất tái định cư. Việc này đang chờ ý kiến của UBND tỉnh", VEC thông tin.

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Hiệp định vay vốn ADB sẽ hết hạn vào 14/12/2020.

Thời gian để hoàn thành toàn bộ các hạng mục còn lại của đoạn tuyến phần vốn ADB tài trợ chỉ còn 17 tháng, vì thế nếu các vướng mắc về mặt bằng không được giải quyết kịp thời và bàn giao cho các nhà thầu thi công trước ngày 01/6/2019 thì công trình khó cán đích trước ngày 14/12/2020 theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT và nhà tài trợ ADB.

Thay đổi nhân sự ảnh hưởng đến dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

Trong một diễn biến liên quan, VEC cho biết việc Tư vấn giám sát thường xuyên thay đổi nhân sự đã làm ảnh hưởng đến công tác giám sát các gói thầu xây lắp dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Theo đơn vị này, Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam mới đây đã có thư nhắc nhở lần thứ 5 đối với Liên danh Tư vấn giám sát Dasan - Kunhwa - ICT (Gói thầu C1) Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành trong công tác quản lý nhân sự.

Lý do Ban quản lý trên đưa ra là thời gian qua công tác huy động, giải thể và thay thế nhân sự của Tư vấn giám sát rất lộn xộn, không có kế hoạch cụ thể.

"Thực tế cho thấy, Tư vấn giám sát không kiểm soát được nhân sự, để xảy ra tình trạng nhân sự nghỉ việc cũng như thay thế rất nhiều, làm ảnh hưởng đến công tác giám sát các gói thầu xây lắp.

Tư vấn đã có nhiều đề xuất về huy động nhân sự cho đoạn ADB phía Đông (Gói thầu A5, A6 và A7) mà không xem xét đến tình hình thực hiện thực tế của các gói thầu, dẫn đến việc huy động một số vị trí chưa cần thiết tại các gói thầu này.

Bên cạnh đó, việc bố trí và điều chuyển các nhân sự giữa đoạn ADB phía Đông và phía Tây không phù hợp, ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện dịch vụ tư vấn giám sát", VEC thông tin.

VEC cho biết, với những tồn tại trên, Ban quản lý dự án đã yêu cầu Tư vấn giám sát nghiêm túc thực hiện việc chấn chỉnh công tác quản lý nhân sự, không để xảy ra tình trạng nghỉ việc khi chưa hoàn thành công việc tại Dự án theo đúng Bản cam kết đã ký khi nhân sự được Ban chấp thuận làm việc chính thức tại Dự án.

Ban quản lý cũng yêu cầu Tư vấn giám sát xem xét lại các vị trí đề xuất huy động cho các gói thầu thuộc đoạn ADB phía Đông đảm bảo phù hợp tình hình thực tế; đồng thời, cần bố trí và sắp xếp phù hợp các nhân sự phụ trách các gói thầu theo đề xuất gia hạn hợp đồng của các gói ADB phía Tây và kế hoạch thực hiện của các gói thầu ADB phía Đông… tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng Dự án.

"Ban quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam cũng cho biết, tạm thời chưa xem xét các đề xuất huy động nhân sự cho đoạn ADB phía Đông như đề nghị của Tư vấn giám sát", VEC thông tin thêm.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, do VEC làm Chủ đầu tư, khởi công ngày 19/7/2014, có tổng chiều dài toàn tuyến 57,8km.

Dự án đi qua tỉnh Long An 2,7km (huyện Bến Lức, Cần Giuộc); TP HCM 26,4km (huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) và tỉnh Đồng Nai 28,7km (huyện Nhơn Trạch, Long Thành).

Được biết, sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn hành trình từ tỉnh Long An đến TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.