Gọi là nhảm, là rác bởi những MV âm nhạc kiểu này thường gây sốc bằng lời lẽ nhảm nhí, hình ảnh phản cảm. Đáng lo ngại hơn, có những sản phẩm còn sử dụng ngôn từ, minh họa thiếu lành mạnh, cổ xúy các tệ nạn xã hội, hay lối sống bất cần, phá phách trong giới trẻ.
Ngược thời gian vài năm trước, trên in-tơ-nét cũng từng phổ biến tràn lan nhiều bài hát nhảm nhí. Phần nhiều các bài hát này được sáng tác bởi những người viết không chuyên, hoạt động tự do trong môi trường “underground” (dòng chảy ngầm, không chính thống).
Trong bối cảnh việc quản lý âm nhạc trên môi trường mạng còn thiếu chế tài, họ có thể tự do thể hiện những suy nghĩ, kể cả mặt tiêu cực trong sáng tác và dùng Youtube, mạng xã hội để truyền phát mà không sợ cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Trong trường hợp này, các bài hát phản cảm được ra đời giống như sự nhân danh sáng tạo để thỏa mãn nhu cầu nổi danh, thậm chí ý muốn nổi loạn của một vài cá nhân. Đáng nói là không chỉ có Youtube, mạng xã hội tiếp tay cho sự lan truyền những ca khúc nhảm này, ngay cả những trang nhạc trực tuyến nổi tiếng cũng ngang nhiên cho đăng tải, trong khi lẽ ra đây phải là môi trường âm nhạc mà "sạn" đã được ban quản trị “nhặt" ra trước khi quảng bá tới giới trẻ.
![]() |
Một số ca khúc bị "ném đá" từ cộng đồng mạng vì lời lẽ ca từ (ảnh minh hoạ) |
Bởi thế, những yếu tố rác, nhảm, phản văn hóa trong đời sống âm nhạc càng có đất để lan truyền, lưu hành mạnh mẽ. Đồng thời là nguyên nhân khiến các chuyên gia âm nhạc lo lắng về những tác động tiêu cực tới người nghe, nhất là giới trẻ.
Các sản phẩm này không những gây ảnh hưởng tới nhận thức, hành vi của thanh, thiếu niên khi đề cao lối sống ích kỷ, bất cần, thích hưởng thụ, ngại cống hiến…; mà còn có nguy cơ kéo thấp thị hiếu thưởng thức âm nhạc của giới trẻ, đưa đến sự hình thành xu hướng nghe nhạc dễ dãi, rẻ tiền; làm thui chột khả năng lao động sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc…
Do đó, đã đến lúc việc loại bỏ những “rác” âm nhạc cần được đặt ra riết róng để môi trường âm nhạc trực tuyến thật sự được thanh lọc, trở thành bệ đỡ cho những sáng tác âm nhạc đích thực.
Còn nhớ, năm 2014, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng phạt một số trang nghe nhạc trực tuyến vì phổ biến bản ghi âm bài hát Phiếu bé ngoan và Tan ka ka có nội dung không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. Sau đó, Bộ cũng gửi công văn tới hàng loạt đơn vị quản lý website âm nhạc đề nghị kiểm tra, gỡ bỏ ngay các bài hát có nội dung phản cảm.
![]() |
Ca khúc Phiếu bé ngoan từng phải gỡ bỏ trên các website âm nhạc vì không phù hợp thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam. |
Tuy nhiên sau đó, mọi thứ đâu lại vào đấy và những ca khúc "rác" lại tiếp tục nở rộ. Nói thế để thấy, trong bối cảnh bùng nổ in-tơ-nét, khi mà bất cứ thứ gì dù nhảm nhí đến mấy cũng có thể dễ dàng được đăng tải; thì việc đưa ra những chế tài xử phạt như phạt tiền, mạnh tay hơn là cấm biểu diễn, thu hồi thẻ hành nghề, giấy phép hoạt động của cá nhân, tổ chức vi phạm, có lẽ mới chỉ giải quyết được phần ngọn mà chưa xử lý được phần gốc.
Thực tế cho thấy, những biện pháp xử lý mang tính hành chính như trên cùng với sự vào cuộc ầm ĩ của truyền thông, thậm chí còn vô tình góp phần quảng bá thêm cho những sản phẩm âm nhạc nhảm. Bằng chứng là bài Phiếu bé ngoan sau khi bị bóc khỏi website âm nhạc trực tuyến đã lập tức được chia sẻ và truy cập với tốc độ càng chóng mặt hơn trên mạng xã hội.
Do đó, để đẩy lùi thứ âm nhạc phản cảm nêu trên ra khỏi đời sống văn hóa, xã hội, biện pháp quan trọng hơn là công tác định hướng thẩm mỹ, nâng cao nhận thức cho những người sáng tác nhạc không chuyên. Theo một số nhạc sĩ, trước mắt, nên có những chiến dịch kêu gọi, vận động người trẻ nghe nhạc có ý thức nghe nhạc một cách văn minh, kiên quyết không cổ xúy những sản phẩm âm nhạc nhảm nhí, dễ dãi, đi ngược lại văn hóa dân tộc.
Suy cho cùng, chỉ có sự nghiêm túc của cả giới sáng tác và người thưởng thức mới là điều kiện quyết định giải quyết nạn nhạc rác. Bên cạnh đó, chỉ có cái đẹp mới có khả năng “đè bẹp” cái xấu, cho nên muốn ngăn chặn sự bùng nổ, lây lan của nhạc rác, việc cần làm là nhân rộng, đẩy mạnh tuyên truyền, cổ vũ những sáng tác âm nhạc hay, có giá trị nghệ thuật…