Loạn 'cò' nhà ở xã hội: Công ty môi giới bị khách hàng đòi lại tiền

Khi phát hiện các công ty môi giới thực chất không giúp được gì trong việc mua nhà ở xã hội, một số khách hàng đã và đang đòi lại khoản tiền lớn lỡ nộp cho các công ty này.

Dưới vị trí là người đang có nhu cầu mua nhà, chỉ trong vài ngày, người viết dễ dàng tiếp cận với hàng loạt người tự xưng là nhân viên của các công ty môi giới, hay còn được gọi là các sàn bất động sản. Có thể kể đến các sàn bất động sản mà chúng tôi được nghe tên trong thời gian này như: P.H, M.B, L.V, T.L...

Hầu hết các nhân viên môi giới đều có chung "kịch bản tư vấn" là không nói, hoặc mập mờ về việc chủ đầu tư chỉ thu hồ sơ trực tiếp từ khách hàng. Một số môi giới nói với khách hàng rằng hồ sơ khó được xét nếu không có sự giúp đỡ của họ. Có môi giới còn khẳng định rằng chủ đầu tư chỉ bán căn hộ thông qua các sàn bất động sản...

Trên thực tế, việc mua bán nhà ở xã hội đã được qui định chặt chẽ tại các văn bản do Chính phủ cũng như UBND TP Hà Nội ban hành. Thông tin về các dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội đều được công khai trên Cổng thông tin điện tử Sở Xây dựng. Chủ đầu tư các dự án chỉ nhận hồ sơ tại địa chỉ duy nhất được thông báo trên cổng thông tin này. 

Danh sách các trường hợp dự kiến được giải quyết và đã được giải quyết việc thuê, mua, thuê mua nhà ở xã hội đều được Sở Xây dựng kiểm tra và thông tin công khai trên website của đơn vị này.

Tuy nhiên, với cách tư vấn thông tin mập mờ, không đúng sự thật của các "cò" nhà ở xã hội đã khiến nhiều khách hàng lầm tưởng rằng các sàn bất động sản thực sự giúp họ mua được nhà ở xã hội. Từ đó, không ít khách hàng đã phải "chi oan" khoản tiền lớn cho công ty môi giới dưới hình thức "hợp đồng tư vấn".

Sau khi phát hiện các công ty môi giới thực chất không có vai trò và không giúp được gì trong việc mua được nhà ở xã hội, một số khách hàng đã và đang đòi lại tiền lỡ nộp cho các công ty này.

Loạn 'cò' nhà ở xã hội: Công ty môi giới bị khách hàng đòi lại tiền  - Ảnh 1.

Trụ sở CTCP Đầu tư Xây dựng NHS tại tầng 1, nhà N09B1, KĐT mới Dịch Vọng, Cầu Giấy - địa chỉ duy nhất tiếp nhận hồ sơ đăng kí mua nhà ở xã hội tại dự án Khu nhà ở xã hội tại ô đất quy hoạch K-1 phường Phương Canh (Ảnh: Thủy Long).

Gần nhất, tháng 6 vừa qua, chị Tr., ở Hoài Đức, Hà Nội có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Chị đã vào một số nhóm mua bán nhà trên mạng xã hội để tìm hiểu. Trong quá trình đó, một "cò" bất động sản đã tiếp cận chị.

Do không nắm được qui định về thủ tục, điều kiện về mua bán nhà ở xã hội nên sau đó chị đã kí "hợp đồng tư vấn pháp lí" với CTCP Dịch vụ Bất động sản Thăng Long (trụ sở ở 100 Tân Xuân, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và nộp cho công ty này 40.000.000 đồng.

Theo nội dung "hợp đồng tư vấn pháp lí" nói trên thì "bên A (tức chị Tr.) đồng ý nhờ tư vấn, bên B (tức CTCP dịch vụ Bất động sản Thăng Long) đồng ý nhận tư vấn thủ tục mua một căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Phương Canh tại ô qui hoạch K-1. Chủ đầu tư dự án là liên danh CTCP Đầu tư xây dựng NHS, Công ty TNHH Thương mại Sơn Dương và CTCP Đầu tư Bất động sản Bắc 9. Loại hình căn hộ là 50 – 60 m2. Tổng số tiền tư vấn là 40.000.000 đồng. 

Theo chị Tr., mặc dù là hợp đồng tư vấn pháp lí, nhưng trong suốt quá trình làm việc với phía Công ty Thăng Long, chị không hề biết tới qui định về việc làm thủ tục mua nhà ở xã hội không được thông qua các công ty môi giới.

Tới khi đến làm việc trực tiếp với chủ đầu tư (CTCP Đầu tư xây dựng NHS) chị Tr. được chủ đầu tư cho biết điều này. Chỉ cần cá nhân chị Tr. tới nộp trực tiếp hồ sơ cho chủ đầu tư là được xem xét.

"Tôi vẫn phải đi nộp hồ sơ đăng kí mua nhà trực tiếp cho chủ đầu tư, 'cò' (nhân viên của công ty môi giới) chỉ đi cùng. Tôi cũng phải kí cam kết với chủ đầu tư rằng không thông qua môi giới. Lúc đó, tôi mới biết là công ty môi giới không có vai trò gì trong việc giúp mình mua nhà ở xã hội. Hiện nay tôi đang yêu cầu công ty môi giới này hoàn trả số tiền mà tôi đã nộp cho họ," chị Tr. trao đổi với chúng tôi.


Loạn cò nhà ở xã hội: Công ty môi giới bất động sản bị khách hàng đòi lại tiền  - Ảnh 1.

Dự án nhà ở xã hội EcoHome 3 ở quận Bắc Từ Liêm (Ảnh tư liệu: Hồng Phong).

Gần giống trường hợp của chị Tr. nói trên, chị chị L. quê ở Hải Dương cũng từng chi tiền cho một công ty môi giới bất động sản. Tuy nhiên, hiện chị L. đã đòi lại được số tiền này.

Theo chị L., cuối năm 2019, chị có nhu cầu mua nhà ở xã hội tại Dự án Ecohome 3 (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) của chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Bất động sản Bắc 9. Trong quá trình hỏi mua nhà trên các nhóm mạng xã hội, nhân viên của CTCP Bất động sản G6 (địa chỉ ở tầng 4, tòa A2, Ecolife Capitol 58 Tố Hữu, Hà Nội) đã "tư vấn" cho chị. Sau đó, chị cũng kí hợp đồng tư vấn pháp lí với công ty này với một khoản tiền lớn.

Trong quá trình nộp hồ sơ, làm tủ tục mua nhà tại Ecohome 3, chị L. nhận thấy CTCP Bất động sản G6 không có nhiều vai trò trong việc giúp chị mua được căn hộ tại đây. Vì vậy, chị Tr. đã yêu cầu công ty này hoàn trả lại số tiền đã nhận từ chị L. Theo chị L., vài tháng sau ngày kí hợp đồng tư vấn pháp lí, Công ty G6 đã trả lại tiền theo yêu cầu của chị.

Trước tình trạng "cò" nhà ở xã hội xuất hiện khắp nơi như hiện nay, câu chuyện của hai khách hàng nói trên có thể là bài học kinh nghiệm cho những ai đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội tham khảo, tránh phải chi ra những khoản tiền không cần thiết.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.