Mái tóc cạo 2 bên ngồ ngộ, hình xăm khắp người, điệu múa quạt "bình thiên hạ"... là một số điều cộng đồng mạng nhớ khi nhắc tới Khá "bảnh" (tức Ngô Bá Khá, 26 tuổi, quê Bắc Ninh).
Nam thanh niên này còn nổi tiếng khi thường xuyên đưa lên mạng các video văng tục chửi thề, vui chơi ở bar, phì phèo hút thuốc hay tay lăm lăm vũ khí đòi "dạy dỗ" đàn em.
Yếu tố bạo lực thường xuyên xuất hiện trong các video đưa lên mạng của Ngô Bá Khá. (Ảnh: FBNV).
Gần đây nhất, "hiện tượng mạng" sở hữu 2 kênh YouTube - có lần lượt gần 1,9 triệu và hơn 61.000 subscriber - cho lên sóng phim ngắn xoay quanh mối quan hệ trong giới giang hồ. Sau 2 tháng ra mắt, video này hút tới 25 triệu lượt xem, lọt top trending dù nội dung chứa không thiếu lời lẽ, hình ảnh bạo lực.
Các video "triệu view" khác của Khá "bảnh" có thể kể tới là Khá bảnh ra tù anh em xã hội lên đón đông như phim Trung Quốc, Khá bảnh dạy dỗ em út hay Khá bảnh đi Sài Gòn về tặng quà cho các em mỗi đứa 50 triệu đồng.
Các kênh lợi dụng yếu tố "xã hội đen" và gây sốc để thu hút người xem như vậy được gọi chung là kênh giang hồ.
Dạo một vòng trên YouTube, dễ dàng bắt gặp hàng chục kênh tương tự của Khá "bảnh" với lượt theo dõi từ vài trăm nghìn cho tới hàng triệu.
Mô-típ của các video trên đó không có gì ngoài khoe hình xăm trổ, nhậu nhẹt, chửi bậy, thách thức, đòi "thanh toán" đối thủ.
Chủ nhân của nhiều tài khoản còn công khai giới thiệu mình cho vay lãi, bảo kê, đòi nợ hay có quan hệ mật thiết với các tay anh chị khét tiếng trong giới giang hồ.
Mọi hành động từ chửi bới, dằn mặt nhau qua điện thoại đến mang dao kiếm trực tiếp truy tìm đối thủ... đều được ghi hình lại và công khai như một cách lấy "số má".
Hàng chục kênh giang hồ nhan nhản trên YouTube. (Ảnh chụp màn hình). |
Thậm chí kênh YouTube của nhân vật Khá "bảnh" còn gợi ý người xem nhấn đăng ký tài khoản thuộc về nhiều nhân vật là “anh em cùng hội cùng thuyền” với anh ta như Phú Lê (943.000 subscribe), "thánh chửi" Dương Minh Tuyền (372.000 subscribe), Ngân Trọc Official (147.000 subscribe), Dũng Trọc Hà Đông (54.500 subscribe). |
Đây cũng là những cái tên xuất hiện trong nhiều clip như 10 giang hồ khét tiếng nhất hiện nay hay xếp hạng giang hồ 2019 của một số kênh ăn theo sức hút của các dân "anh chị" này để kiếm tiền.
Thời gian qua, người dùng YouTube ở cả Việt Nam và thế giới liên tục kêu gọi tẩy chay các kênh chứa nội dung nhảm, bạo lực, xúi giục tự sát hay cổ súy lối sống không lành mạnh.
Và gần đây, khi các video phơi bày mặt trái của giới "xã hội đen" xuất hiện nhan nhản, làn sóng này lại được bắt đầu, nhắm vào việc xóa bỏ các kênh video giang hồ.
Tuy nhiên, khâu kiểm duyệt của Google - đơn vị chủ quản mạng xã hội video YouTube - tỏ ra bất lực khi các kênh này vẫn đều đặn tung ra các nội dung nhảm và hút view. Nhiều kênh như của Khá "bảnh", Dương Minh Tuyền còn được cấp dấu tích xác nhận “chính chủ”.
"Chính sự buông lỏng trong công tác quản lí, kiểm duyệt nội dung phù hợp của Google đã tiếp tay cho các kênh giang hồ tồn tại và ngày càng bành trướng. Các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra biện pháp xử lý để người dùng YouTube yên tâm hơn khi bước vào thế giới ảo này", Hà Thu (24 tuổi, nhân viên bán hàng) bày tỏ.
Một số kênh ăn theo sức hút của các dân "anh chị" có tiếng để kiếm tiền từ YouTube. (Ảnh chụp màn hình). |
Ông Kostantinos Papadamou - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Cyprus, Cộng hòa Síp, đồng tác giả của một nghiên cứu về nội dung không lành mạnh cho trẻ em trên YouTube - từng nêu quan điểm trên Zing.vn liên quan đến việc kiểm soát nội dung độc hại trên nền tảng video này. |
"Tính đến 15/1/2019, chỉ có 10,6% trong số 710 video 'bẩn' được kiểm duyệt thủ công bị YouTube xóa khỏi trang. Trong số video có nội dung xấu vẫn tồn tại chỉ có 8% được 'gắn cờ' giới hạn độ tuổi và có thời gian tồn tại trung bình trên trang là 794 ngày (tương đương khoảng 2 năm 2 tháng)", nhà nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, nếu việc ngăn chặn, loại bỏ các nội dung độc hại trên YouTube thuộc về Google, thì người dùng cũng phải tỉnh táo chọn lựa nội dung để xem và chia sẻ. Mỗi cú click chuột để xem hay nhấn theo dõi tài khoản chứa nhiều nội dung xấu chính là hành động tiếp tay cho chúng phát triển.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, từng bày tỏ với Zing.vn Cục mong muốn người dùng Việt Nam được bảo vệ tuyệt đối trên mạng Internet, đặc biệt là trẻ em. Ông khuyên mọi người khi phát hiện các video độc hại có thể phản ánh đến Cục thông qua đường dây nóng.