Ngày 8/3 trên mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh một nhóm thanh niên đứng dàn hàng ngang trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chụp ảnh.
Trong số những người này có một người tên là Ngô Bá Khả hay còn gọi là Khá Bảnh, một nhân vật khá nổi tiếng trên Facebook.
Bức ảnh nhanh chóng được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội với nhiều ý kiến bất bình. Dư luận cho rằng hành động kể trên là vô cùng nguy hiểm đến an toàn giao thông trên đường cao tốc.
Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Phòng quản lý vận hành, Công ty Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho biết vào lúc 9h16 sáng 7/3, trên cao tốc xuất hiện một nhóm thanh niên chạy 2 ôtô biển số 30E - 114.23 và 99A -196.53 đỗ tại làn khẩn cấp.
Nhóm người sau đó xuống xe, dàn hàng ngang chụp ảnh giữa cao tốc. Hai xe này sau đó ra khỏi cao tốc ở nút quốc lộ 10. Hiện dữ liệu đầu vào của cao tốc vẫn lưu 2 biển số xe trên. Qua đối chiếu của cơ quan chức năng, biển số xe 30E - 114.23 khớp với biển số trong bức ảnh trên trang Facebook của Ngô Bá Khá.
Phòng quản lý vận hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã chuyển dữ liệu hình ảnh cho Cục CSGT, Bộ Công an để xác minh, xử lý nhóm thanh niên này.
Khá "bảnh" cùng 7 người dàn ngang chụp hình trên cao tốc. (Ảnh: Facebook Ngô Bá Khá).
Căn cứ theo Điều 26 Luật Giao thông đường bộ, người lái xe trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy tắc giao thông, trong đó có quy định: Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
Với quy định trên, được hiểu rằng, người lái xe được phép đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy như lề đường, điểm phình ra trên đường phía tay phải trong trường hợp khẩn cấp, và trường hợp người lái xe buộc phải dừng xe.
Bên cạnh đó, trong quá trình dừng đỗ, người lái xe phải thực hiện các biện pháp như: Đặt biển cảnh báo nguy hiểm, liên hệ đơn vị cứu hộ để giải quyết vụ việc đồng thời đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện khác.
Nếu bỏ qua các biện pháp trên không chỉ gây nguy hiểm cho người và xe dừng trên cao tốc mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới người tham gia giao thông trên cùng tuyến đường cao tốc.
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:
"Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
7. Phạt tiền 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
c) Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định."
Bên cạnh đó theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:
"12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm h, Điểm i Khoản 3; Điểm b, Điểm c, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 4; Khoản 5; Điểm a, Điểm b, Điểm d Khoản 6; Điểm a, Điểm c Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng".
Làn dừng khẩn cấp (tiếng Anh là "emergency lane" hoặc "shoulder") của các nước trên thế giới cũng có những quy định và mục đích sử dụng như ở Việt Nam. Hành động cho xe chạy trên làn dừng khẩn cấp là hành vi vi phạm pháp luật có thể gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Ở Mỹ, Canada và một số quốc gia cho phép xe bus hoạt động trên làn đường khẩn cấp để tránh tắc đường. Trong khi đó, một số quốc gia cho phép xe đạp và người đi bộ hoạt động trên làn dừng khẩn cấp.
Các quốc gia trên thế giới có 2 loại làn dừng khẩn cấp là: làn dừng khẩn cấp cứng và làn dừng khẩn cấp mềm. Làn dừng khẩn cấp cứng được trải nhựa và bằng phẳng so với mặt đường chính. Trong khí đó, làn dừng khẩn cấp mềm được làm bằng đất, sỏi... Một số quốc gia, làn dừng khẩn cấp được làm thấp hơn so với mặt đường chính từ 7 đến 8 cm.