Loạt doanh nghiệp vẫn 'sống khỏe' qua mùa dịch nhờ tiền gửi ngân hàng: ACV thoát lỗ, Hòa Phát, Thế Giới Di Động nắm lượng tiền mặt kỉ lục

Khi hàng trăm công ty vẫn đang khát vốn kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì nhiều "đại gia" lại sở hữu hàng chục nghìn tỉ đồng tiền mặt. Dòng tiền này không chỉ tạo lãi lớn mà còn giúp doanh nghiệp mở rộng qui mô, sẵn sàng đầu tư khi cơ hội đến.

Ông chủ sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thoát khỏi thua lỗ nhờ lãi tiền gửi

Loạt doanh nghiệp vẫn 'sống khỏe' qua mùa dịch nhờ tiền gửi ngân hàng - Ảnh 1.

Sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Kinh tế & Đô thị).

Thông tin từ Zing, quí III/2020, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) ghi nhận 1.443 tỉ đồng doanh thu hoạt động kinh doanh chính, giảm 69% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận gộp thu về trong quí chỉ đạt gần 41 tỉ đồng, giảm 60 lần so với số thu hơn 2.400 tỉ cùng kì năm trước.

Trong khi hoạt động kinh doanh chính giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gần 34.000 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng đang trở thành nguồn đóng góp lợi nhuận chính cho ACV.

Trong 9 tháng qua, hoạt động kinh doanh chính chỉ mang về cho ACV hơn 1.200 tỉ lãi gộp (giảm 83%), còn lãi tiền gửi mang về tới 1.632 tỉ (tăng 28%).

ACV hiện có 584 tỉ đồng tiền mặt và 33.396 tỉ tiền gửi ngân hàng kì hạn dưới 12 tháng. So với đầu năm, số dư tiền của ACV đã tăng hơn 2.700 tỉ đồng, tương đương gần 9%.

Kế hoạch lợi nhuận năm nay, doanh thu tài chính dự kiến của doanh nghiệp chiếm đến 97%, trong khi lãi từ hoạt động kinh doanh cốt lõi chỉ mang về khoảng 50-52 tỉ đồng.

"Vua thép" báo lãi kỉ lục, "ôm" 14.400 tỉ đồng tiền mặt 

Báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2020 của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho thấy tổng tài sản tại ngày 30/9 vừa qua là 117.472 tỉ đồng (tương đương hơn 5 tỉ USD), tăng trưởng 15,4% so với ngày đầu năm.

Loạt doanh nghiệp vẫn 'sống khỏe' qua mùa dịch nhờ tiền gửi ngân hàng - Ảnh 2.

Tòa nhà văn phòng của Tập đoàn Hòa Phát tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

Khoản mục tài sản ghi nhận bước tiến đáng kể nhất là tiền gửi có kì hạn, từ gần 1.400 tỉ đồng lên xấp xỉ 8.800 tỉ đồng. Ngoài ra, Hòa Phát còn có hơn 5.600 tỉ đồng tiền và tương đương tiền, tăng gần 1.100 tỉ đồng so với ngày đầu năm.

Hiện Hòa Phát đang có trên 14.400 tỉ đồng tiền mặt, tiền gửi không kì hạn và tiền gửi có kì hạn. So với ngày cuối quí II, khối tiền mặt và tiền gửi của đại gia thép này tăng khoảng 2.300 tỉ đồng.

VEF báo lãi quí III đột biến gấp 9 lần nhờ lãi tiền gửi ngân hàng 

Trong quí III, CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEF) chỉ đạt hơn 106 triệu đồng doanh thu trong khi giá vốn là ba tỉ đồng khiến công ty lỗ gộp.

Tuy nhiên, nhờ khoản tiền 4.900 tỉ đồng đang được gửi ngân hàng với kì hạn hai hoặc ba tháng với lãi suất từ 3,8 - 4,25%, nên lợi nhuận sau thuế của công ty đạt hơn 56 tỉ đồng, gấp 9 lần quí III/2019. Đây đều là lãi tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp.

Tại ngày 30/9, tổng tiền của VEF là 4.925 tỉ đồng, tăng 4.914 tỉ đồng so với đầu năm.

Thế Giới Di Động nắm lượng tiền mặt kỉ lục, vượt 13.000 tỉ đồng

Quí III/2020, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của đại gia Nam Định Nguyễn Đức Tài đạt doanh thu 26.021 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 951 tỉ đồng.

Loạt doanh nghiệp vẫn 'sống khỏe' qua mùa dịch nhờ tiền gửi ngân hàng: ACV thoát lỗ, Hòa Phát, Thế Giới Di Động nắm lượng tiền mặt kỉ lục - Ảnh 3.

Một cửa hàng Thế Giới Di Động. (Ảnh: Phúc Minh/Pháp luật & Xã hội).

Lũy kế 9 tháng đầu năm, MWG đạt doanh thu thuần hợp nhất là 81.352 tỉ đồng, tăng 6%, lợi nhuận sau thuế là 2.978 tỉ đồng, tăng 0,05% so với cùng kì. 

Đáng chú ý trong giai đoạn này, doanh nghiệp đã tiếp tục tăng lượng tích trữ tiền mặt so với đầu năm và so với cuối quí II/2020.

Cuối quí III, MWG ghi nhận tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn lên đến 13.188 tỉ đồng, tăng mạnh so với con số 6.252 tỉ đồng so với hồi đầu năm nay và 10.879 tỉ đồng vào cuối quí II.

Công ty đặt mục tiêu có 100 cửa hàng bách hóa doanh thu 5 tỉ mỗi tháng vào cuối năm 2020. Song song với chiến lược mở rộng kinh doanh ở khu vực nông thôn, tập đoàn bán lẻ này cũng đang rốt ráo mở rộng tại thị trường Campuchia.

Theo thống kê mới đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2020, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 4,37 triệu tỉ đồng, tăng xấp xỉ 10,4% so với cùng kì năm ngoái. Tính riêng trong tháng 9, con số này đã tăng gần 141.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,09 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 5,77%. So với cuối tháng 8, người dân gửi thêm gần 15.000 tỉ đồng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.