Bé trai 13 tuổi khai gì tại cơ quan điều tra?
Hôm nay (21/10), qua trao đổi với chúng tôi về sự việc cháu V.H.V.A (13 tuổi, trú tại xã Trù Hựu, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) lái trộm xe ô tô gây ra tai nạn liên hoàn vào chiều ngày 20/10, một vị lãnh đạo thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết sau khi lấy lời khai ban đầu, bé V.A. đã được gia đình bảo lãnh đưa về nhà.
Theo đó, bé trai V.A. khai nhận tại CQĐT, trước khi lên lái chiếc xe khách gây tai nạn bé đã thấy một số ôtô chở đất đỗ ở cạnh nhà đã hỏi tài xế tìm hiểu cách khởi động và cách lái xe. Sau đó, khi thấy chiếc xe khách đỗ bên đường không có tài xế nên đã lên xe để lái thử và xảy ra sự việc.
Sau khi gây tai nạn liên hoàn, cháu V.A hoảng loạn và khóc nức nở và đã bị lực lượng chức năng dẫn giải về lấy lời khai. |
Thông tin từ phía công an thị trấn Chũ, chủ nhân chiếc ôtô 7 chỗ bị xe khách đâm hư hỏng đã đề nghị không xử lý hình sự đối với bé trai V. A còn chiếc xe khách đang bị tạm giữ để phục vụ điều tra.
Được biết, bé trai V.A. ở với bà ngoại từ nhỏ và có tiền sử bệnh tâm thần, hoàn cảnh gia đình cháu lại rất khó khăn nên mẹ phải đi làm ăn xa. Mặc dù bị bệnh tâm thần nhưng khuôn mặt của V.A. vẫn bình thường, chỉ những người nào nắm rõ hoàn cảnh mới biết được cậu bé này có bệnh trong người.
Theo phản ánh của một số hộ dân, cháu V.A. thường xuyên bỏ nhà đi lang thang, nhiều khi đi trên đường, thấy xe máy của ai bỏ bên đường thì lấy đi một đoạn rồi lại vứt lại.
Tài sản bị hư hỏng trong vụ tai nạn liên hoàn. |
Tài xế xe khách phải có trách nhiệm liên đới bồi thường
Luật sư Giang Hồng Thanh – Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh, đoàn luật sư TP Hà Nội đưa ra quan điểm, trong vụ việc này cháu bé lái xe khách gây tai nạn liên hoàn mới 13 tuổi và bị tâm thần. Hậu quả xảy ra là một bé gái bị thương nhẹ, một chiếc xe ô tô 7 chỗ bị hư hỏng nặng phần đuôi, xe khách bị hỏng phần đầu.
Tuy nhiên do cháu bé mới 13 tuổi và bị tâm thần nên theo quy định của pháp luật, cháu bé sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính. Vấn đề này được quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự và Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Về trách nhiệm bồi thường dân sự, do cháu bé chưa thành niên (13 tuổi) và mất năng lực hành vi dân sự (bị tâm thần) nên trách nhiệm này thuộc về người đại diện theo pháp luật của cháu bé là bố mẹ của cháu bé theo quy định tại Điều 20, Điều 22 Bộ luật Dân sự.
Luật sư Giang Hồng Thanh trao đổi với PV Việt Nam Mới. |
Thứ hai, đối với tài xế lái xe khách, việc không rút chìa khóa xe ra khỏi ổ và rời khỏi xe khi không có người trông giữ đã không tuân thủ quy định về bảo quản xe ô tô được coi là nguồn nguy hiểm cao độ.
Theo Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hôi đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định: “Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.”
Do vậy, chủ xe khách phải có trách nhiệm liên đới bồi thường những thiệt hại về mặt dân sự đã xảy ra.